“Chìa khóa” chinh phục thị trường bán lẻ
Xây dựng mô hình “Một điểm đến, nhiều tiện ích” được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.
Theo biên bản hợp tác Tập đoàn bán lẻ Central Retail Việt Nam ký kết hợp tác với Tập đoàn Kido (KDC) mới đây, KDC sẽ đưa chuỗi F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) GO!, Big C và Tops Market, mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm dịch vụ và sản phẩm mới. Dự kiến, từ tháng 12/2021 đến trước Tết Nguyên đán, KDC sẽ chính thức khai trương hơn 10 cửa hàng của Chuk Chuk, nằm trong các TTTM thuộc hệ thống của Central Retail. Năm 2022, Chuk Chuk sẽ được nhân rộng và có mặt tại tất cả các TTTM của Central Retail tại Việt Nam.
Nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng đến với các điểm mua sắm, tháng 10 vừa qua, Masan - “ông lớn” ngành tiêu dùng, bán lẻ Việt Nam đã ra mắt cửa hàng đa tiện ích Fresh & Chill M-Plaza tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đặt tại khu phức hợp gồm văn phòng hạng A, căn hộ dịch vụ, khu ăn uống và bán lẻ sầm uất bậc nhất tại trung tâm quận 1, cửa hàng thu hút sự chú ý của đông đảo người dân với các sản phẩm và dịch vụ đa dạng đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Đây là hai trong số nhiều DN bán lẻ Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa trải nghiệm để chinh phục khách hàng. Thực tế, việc xây dựng và đưa vào hoạt động các mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích” đã được các DN bán lẻ nước ngoài triển khai ở Việt Nam tương đối lâu. Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia ngành bán lẻ - chia sẻ, chính nhờ mô hình “một điểm đến, nhiều tiện ích” mà nhà bán lẻ AEON đã trụ vững tại Việt Nam nhiều năm nay. “Người tiêu dùng đến với siêu thị, TTTM không chỉ có nhu cầu mua sắm, mà nhu cầu giải trí, ăn uống, vui chơi… cũng rất cao. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu mua sắm tăng lên, nếu đáp ứng được, DN sẽ bám trụ được thị trường” - ông Vũ Vinh Phú nói.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nỗ lực đa dạng hóa trải nghiệm để chinh phục khách hàng
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - chia sẻ, năm 2020, doanh thu bán lẻ vẫn có sự tăng trưởng. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn song đến tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBLHH & DTDV) đã tăng 6,2% so với tháng trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận và cho thấy vai trò của bán lẻ hàng hóa trong việc “gánh” chỉ số TMBLHH&DVTD khi ngành du lịch đang bị đóng băng, dịch vụ chưa thể tăng trưởng trở lại. Khi dịch bệnh được kiểm soát, bán lẻ hàng hóa sẽ nhanh chóng tăng trưởng trở lại, đóng góp cao hơn vào tăng trưởng nền kinh tế. DN bán lẻ cần tận dụng xu hướng này để có sự đổi mới, chinh phục người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, Báo cáo về xu hướng thị trường do Công ty Cổ phần (CP) Chứng khoán Bản Việt (VCSC) phát hành mới đây cũng nhấn mạnh, khi tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát phần lớn và Chính phủ bắt đầu mở cửa trở lại tất cả các hoạt động kinh tế, ngành bán lẻ sẽ trải qua sự phục hồi mạnh mẽ. Kỳ vọng này một phần được thúc đẩy bởi xu hướng mua sắm bù. Thống kê trên các công ty hàng đầu với danh mục thương hiệu toàn cầu và/hoặc mạng lưới bán lẻ rộng khắp, cho thấy dù giảm doanh thu đáng kể trong nửa đầu năm 2020 nhưng sau đó đều ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Có thể lý giải điều này bởi 3 nguyên nhân. Thứ nhất, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng cao, đi đôi chi tiêu tiêu dùng cũng vượt trội so với các nước trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc). Thứ hai, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam vẫn đang diễn ra và còn nhiều dư địa để tăng trưởng, mở đường cho sự thâm nhập cao hơn của bán lẻ hiện đại. Thứ ba, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn là hai trong số các thành phố có tỷ lệ thâm nhập thấp nhất trong khu vực tính theo diện tích mặt bằng bán lẻ trên đầu người.
Cũng theo VCSC, TTTM sẽ là hình thức phân phối trở thành nơi cung cấp trải nghiệm mua sắm “một điểm đến, nhiều tiện ích” để người tiêu dùng có thể tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm bán lẻ đa dạng, bao gồm các phân khúc truyền thống như thời trang, mỹ phẩm, bên cạnh F&B, spa, siêu thị, cửa hàng điện tử, rạp chiếu phim hay các dịch vụ giải trí khác. Với diện tích trung bình từ 20.000 m2 đến hơn 100.000 m2, các TTTM cung cấp cho người thuê nhiều diện tích để đem đến nhiều lựa chọn hàng hóa và dịch vụ hơn so với hình thức từng gian hàng nhỏ trong các cửa hàng bách hóa.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024