“Đi trước mở đường”, ghi nhiều dấu ấn nổi bật
Năm 2021, tác động của dịch Covid-19 với nhiều biến chủng mới đã khiến nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn. Tại Quảng Ninh, riêng hoạt động của ngành giao thông vận tải (GT-VT) phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tế trong phòng, chống dịch, đồng thời cũng phải triển khai các dự án trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh... Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành, sự chỉ đạo, hỗ trợ từ tỉnh và các đơn vị liên quan, ngành GT-VT đã vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã thông xe kỹ thuật và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Ngay khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, Sở GT-VT Quảng Ninh đã tích cực bám sát chỉ đạo của tỉnh, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh để rà soát, xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp, thống nhất, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên. Trong đó, chú trọng tham mưu các nội dung triển khai phòng, chống Covid-19 đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sở đã cắt cử lực lượng tham gia liên ngành tại các chốt kiểm soát người và phương tiện tại các cửa ngõ đường bộ của tỉnh, thực hiện kiểm soát gần 2,5 triệu người và gần 1,5 triệu phương tiện ra - vào tỉnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác phát triển.
Cùng với đó, Sở cũng đã có những chế tài, quy định riêng cho từng thời điểm, bám sát với diễn biến của dịch bệnh. Từ đó tham mưu và trực tiếp ban hành 268 văn bản triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh; đề xuất, triển khai các phương án tổ chức hoạt động vận tải, đào tạo sát hạch linh hoạt, phù hợp theo từng trạng thái thực tế. Cũng như kịp thời thông tin về hoạt động vận tải để người dân chủ động trong đi lại; thống nhất, ban hành cụ thể từng phần việc, quy trình, trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vận tải, như: Tuyên truyền hành khách thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch; đảm bảo nghiêm túc quy định phòng dịch. Đồng thời tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến, đề xuất, nguyện vọng từ các doanh nghiệp liên quan để tìm giải pháp hỗ trợ...
Đối với nhiệm vụ quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Sở đã bám sát nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng, tham gia ý kiến, đề xuất các phương án đối với các quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh phương án quy hoạch về GT-VT để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Ngày 1/1/2022, cầu Cửa Lục 1 sẽ chính thức khánh thành sau hơn một năm thi công.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Định hướng phát triển giao thông của tỉnh giai đoạn tới là tiếp tục tạo đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong tỉnh và khu vực, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về địa lý là cửa ngõ giao thông của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ... Vì thế, Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình có tính đột phá, gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, tuyến có tính kết nối; chú trọng phát triển các tuyến đường vành đai, đường trục chính, đường ven biển để khai thác tốt dư địa đất đai hiện có.
Trên cơ sở đó, trong năm 2021, Sở đã tích cực tham mưu với tỉnh, phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông động lực, giải quyết kịp thời thủ tục về thẩm định thiết kế, quản lý chất lượng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; cầu Cửa Lục 1 và 3; Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Cảng Vạn Ninh... với tổng vốn đầu tư trên 55.700 tỷ đồng cùng các dự án hạ tầng do các địa phương triển khai. Theo kết quả tổng hợp, năm 2021, trên phạm vi toàn tỉnh đã thi công hoàn thành trên 30 công trình giao thông với tổng chiều dài 131km. Hiện Sở đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT để ưu tiên bố trí vốn sớm triển khai đầu tư Cao tốc Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Quảng Ninh - Lạng Sơn; khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long...
Để đảm bảo an toàn, thông suốt trên các tuyến đường, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở thường xuyên phối hợp với Ban ATGT, Công an tỉnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý các điểm bất cập về tổ chức giao thông, bổ sung hệ thống ATGT tại các địa phương; tổ chức khắc phục hậu thiên tai và xử lý kịp thời tình trạng ngập úng khi có mưa lớn. Nhờ làm tốt công tác quản lý hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh là địa phương 10 năm liên tiếp có tỷ lệ giảm TNGT cả 3 tiêu chí trên toàn quốc. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên toàn tỉnh xảy ra 113 vụ, 65 người chết, 75 người bị thương, so với năm ngoái, giảm 3 vụ với số người chết giảm 3 người, số người bị thương giảm 6 người.
Công tác sát hạch lái xe được điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.
Cùng với các nhiệm vụ trên, Sở GT - VT cũng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỷ lệ TTHC sẵn sàng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 124/124 (100%). Trong năm 2021, đã giải quyết 291.308 thủ tục hành chính qua Dịch vụ bưu chính công ích và các lĩnh vực đăng kiểm, du lịch, đường bộ, đường thủy; 100% các thủ tục hành chính đều được giải quyết trước và đúng hạn, không có quá hạn...
Với sự quyết tâm cao, nỗ lực của toàn ngành, năm 2021, ngành GT-VT Quảng Ninh đã vượt khó, thực hiện thành công, thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Bước vào năm 2022, nhận định vẫn là năm khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, ngành GT-VT sẽ tiếp tục lấy chủ đề công tác năm là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, xứng đáng là ngành “đi trước mở đường”.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam