Công nghiệp giảm sâu: Nhận diện những thách thức, thúc đẩy tăng trưởng
Để tận dụng tốt các FTA, thời gian tới Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao hơn về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá… nếu muốn xuất khẩu và được hưởng các ưu đãi thuế quan.
Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm - trong cả giai đoạn 12 năm từ 2011-2023.
Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo - chiếm tới hơn 85% kim ngạch xuất khẩu suốt 5 năm trở lại đây đã không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng - khi chỉ tăng có 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm nay.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến công nghiệp giảm sâu và những giải pháp để hỗ trợ các ngành xuất khẩu chủ lực trong những tháng cuối năm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đà hồi phục còn chậm
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Thế nhưng, bước sang năm 2023, toàn ngành công nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, với tốc độ tăng trưởng “âm” tới 6,3% ngay trong 2 tháng đầu năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%. Mặc dù đã có sự tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3, nhưng cũng chỉ đưa giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phân tích, dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, song trong 6 tháng đầu năm 2023 sản xuất công nghiệp trong nước vẫn có sự sụt giảm đáng kể và cũng phục hồi rất chậm.
Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ôtô, điện tử, dệt may, da giày, sản xuất kim loại, thép… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Khi quay đầu tăng trưởng dương từ tháng 3, nhiều nhận định cho rằng công nghiệp Việt Nam đã “thoát đáy” và khả năng sẽ sớm phục hồi, phát triển. Thế nhưng, cùng với khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 lên tới hơn 83% cho thấy vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam đã ở mức trên 50%. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp ngành da giày vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng đơn hàng cũng bị suy giảm. Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40% và một số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan…
Còn theo ông Huỳnh Công Tiến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn Tiến chuyên gia công các sản phẩm may mặc cũng cho hay, trong nửa đầu năm, tình hình đơn hàng rất khó khăn, nhiều lô hàng bị tồn chưa xuất đi được.
Theo Vietnam+
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024