Dành 12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi mua vaccine phòng COVID-19
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tại Phiên họp thứ 55 diễn ra vào chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2020.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Theo Tờ trình về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, đến hết ngày 31/01/2021, không kể các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định, dự toán kinh phí ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2020 vẫn còn 64,76 nghìn tỷ đồng chưa sử dụng.
Trong đó, có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách và xử lý cân đối NSTW năm 2020 là 15,6 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm chi của NSTW năm 2020 là 12,1 nghìn tỷ đồng; dự toán chi cải cách tiền lương từ 1/7/2020 nhưng chưa thực hiện theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội là 14,6 nghìn tỷ đồng; dự toán chi NSTW năm 2020 chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết (do đặc thù của năm 2020 yêu cầu triệt để tiết kiệm, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, nên có một số nhiệm vụ chậm triển khai hoặc không phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh phí thực hiện thấp hơn dự kiến, dẫn đến dư kinh phí): 22,46 nghìn tỷ đồng, không thuộc đối tượng được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, phải hủy bỏ dự toán.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020 với các nội dung sau:
Một là, sử dụng 12,6 nghìn tỷ đồng, gồm: 12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi của NSTW năm 2020 và 500 tỷ đồng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi NSTW năm 2019 và chuyển nguồn sang năm 2021 để mua vaccine phòng COVID-19 là 12,1 nghìn tỷ đồng; bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương năm 2020 cho tỉnh Quảng Ngãi là 500 tỷ đồng.
Hai là, giảm chi để giảm bội chi NSTW năm 2020 là 36,3 nghìn tỷ đồng, gồm: 21,2 nghìn tỷ đồng kinh phí thường xuyên chưa sử dụng, không được chuyển nguồn (không bao gồm 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế) và 15,1 nghìn tỷ đồng nguồn kinh phí tăng thu và tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang năm 2020.
Ba là, không thực hiện thưởng vượt dự toán thu và đầu tư trở lại theo cơ chế tài chính đặc thù cho các địa phương.
Bốn là, cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch chưa sử dụng của Bộ Y tế sang năm 2021 để mua vaccine phòng dịch COVID-19. Đồng thời, chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng sang năm 2021 để xử lý các nhu cầu bổ sung cho các địa phương khó khăn về nguồn trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương đã ban hành năm 2021 và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2022.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc đối với việc sử dụng 12,1 nghìn tỷ đồng tiết kiệm chi NSTW năm 2020 để mua vaccine phòng COVID-19; sử dụng 500 tỷ đồng trong tổng số 15,6 nghìn tỷ đồng còn lại theo Nghị quyết 936 để hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi bù giảm thu cân đối NSTW và số còn lại là 15,1 nghìn tỷ đồng thực hiện giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2020.
Bài viết cùng chuyên mục
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hồng Kông vào tỉnh Quảng Ninh
- Phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI
- Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài
- Gỡ các điểm nghẽn, thu hút FDI vào ngành dược
- Tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài
- Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam
- Làm cách nào Việt Nam có thêm 40 tỉ USD năm tới?
- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Hải Hà
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố