Tin tức đầu tư


Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị công bố kết quả DDCI Quảng Ninh 2021

21/01/2022

Ngày 20/1, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh - DDCI Quảng Ninh 2021. Hội nghị có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký tại Hội nghị.

Kính thưa đồng chí Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam!

Thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh!

Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào trước những thành tích, kết quả toàn diện, nổi bật của năm 2021, hôm nay, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương - DDCI Quảng Ninh 2021. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tôi trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của đồng chí Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đại diện các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể quý vị đại biểu! Chúc Quý vị đại biểu một năm mới 2022 sức khỏe và thành công!

Thưa các quý vị đại biểu!

Như chúng ta đã biết, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với những biến chủng mới lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất, nặng nề nhất là khu vực du lịch, dịch vụ vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, tỉnh đã luôn sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ, từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, cùng việc triển khai chiến lược Vắc xin chủ động, thần tốc, đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn, đạt tỷ lệ bao phủ cao và sớm nhất trong cả nước, không ngừng củng cố trụ cột y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế tuyến huyện và cơ sở, vận động toàn dân biết tự làm xét nghiệm test nhanh… vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội và đà tăng trưởng hai con số liên tiếp trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021), thu ngân sách nội địa trên 42.000 tỷ đồng, đứng ở tốp đầu cả nước, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021.

(Năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt 360.774 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt trên 01 tỷ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ. Năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 320 triệu đồng/người /năm, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Có 2.055 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2% so với cùng kỳ; lũy kế toàn tỉnh có 16.800 doanh nghiệp. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 7.600 USD. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,1%)

Những kết quả, dấu ấn đậm nét nêu trên được kết tinh từ truyền thống cách mạng, văn hóa, từ sự năng động, tự lực, tự cường và khát vọng đổi mới, sáng tạo, sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh; trong đó phải kể đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành đã tận dụng cơ hội, đổi mới phương thức làm việc, thích ứng với tình hình, không để đứt gãy, gián đoạn, giảm chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp… Kết quả năm 2021 đã tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc kiên trì thực hiện mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và năm đầu thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thắng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan rằng chúng ta vẫn chưa khai thác, ứng dụng triệt để thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, liên thông dữ liệu trong giải quyết các thủ tục hành chính; chất lượng chuyển biến trong một chỉ số thành phần chưa thực sự vững chắc, còn nhiều dư địa để cải cách.

Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh của năm 2022 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức khi dự báo tình hình dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng mới nguy hiểm và lây lan nhanh hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp, khó lường, số ca nhiễm vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin cao; với mục tiêu giữ vững đà tăng trưởng 02 con số và hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; để đáp ứng niềm mong mỏi, kỳ vọng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã dành cho hệ thống chính trị và chính quyền các cấp, nhất là khi năm 2020 Quảng Ninh dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI (theo số liệu, Viện Dư luận xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Ninh vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội năm 2021 đạt tỷ lệ 94,5%, với số phiếu đánh giá của cán bộ, công chức, viên chức chỉ chiếm tỷ lệ dưới 30% thay vì 70% như năm 2020) đòi hi chúng ta đề cao hơn nữa trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức trong việc xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, kiến tạo, “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiếp tục kiên trì quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mang lại những cơ hội to lớn, đồng thời đi liền với những thách thức khi các tỉnh, thành phố trong cả nước đang tập trung, nỗ lực để tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tôi chỉ xin nhấn mạnh một số điểm sau đây:

Một là, vấn đề nguồn lực và động lực cho thúc đẩy phục hồi và phát triển trong chiến lược thích ứng an toàn: Từ thực tiễn thành công của Quảng Ninh cho thấy, giữa các loại nguồn lực đầu vào cho sản xuất như vốn, đất đai, lợi thế vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên với các nguồn lực nhân văn, nhân tạo như thể chế, con người, văn hóa, khoa học - công nghệ thì nguồn lực nhân văn, nhân tạo có ý nghĩa kiến tạo phát triển, giữ vai trò quyết định khơi thông, phân bổ, điều tiết, hướng dẫn việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên. Tính quyết định của nguồn lực nhân văn, nhân tạo thể hiện tập trung ở tư duy phát triển đột phá, xây dựng nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, hành động quyết liệt và hiệu quả, củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân… để chuyển hóa các nguồn lực vốn, tự nhiên, lao động, vị trí địa lý,… thành động lực phát triển một cách có chủ đích, đầy ý chí mạnh mẽ, có quy hoạch bài bản, lớp lang, được kiến tạo, dẫn dắt một cách khoa học, như đầu tư công phải bảo đảm tính tập trung cao, tránh dàn trải, manh mún kéo dài, đủ mức để lôi kéo đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy hợp tác công - tư, chuyển từ phát triển “nâu” sang “xanh”, kiến tạo hạ tầng giao thông chiến lược kết nối đi trước một bước, gắn bó hữu cơ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người và bảo vệ môi trường…

Hai là, làm gì để DDCI Quảng Ninh thực sự có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị phát triển bền vững địa phương trong tình hình mới?

Thực tế đã cho thấy: các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, giới trí thức khoa học và chuyên gia, nhất là người dân rất quan tâm tới việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thông qua các chỉ số đánh giá khách quan, khoa học dựa theo các chuẩn mực với nguồn dữ liệu độc lập và có tính liên tục, dài hạn để có thể nhận diện được mức độ cải thiện theo thời gian. DDCI của Quảng Ninh đã bước sang năm thứ 7 đòi hỏi phải được đổi mới cách tiếp cận, tư duy cải cách phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh mới để có thể tiếp cận được với các chuẩn mực cao hơn nhằm xây dựng nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, nhất là trước sự phát triển của chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Bắt buộc chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhất là hộ kinh doanh cá thể phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực, kéo dài của dịch bệnh COVID-19; thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giao nhiệm vụ có tính bắt buộc với thời hạn cụ thể và thiết lập kỷ cương nghiêm ngặt hơn trong quá trình triển khai. Thực hiện cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho các địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn của địa phương để đủ thẩm quyền, năng lực phản ứng trước những tác động bất lợi cũng như tận dụng cơ hội trước biến động mau lẹ của thị trường.

Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh: (1) Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng. (2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Triển khai có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, các khu công nghiệp, khu kinh tế… (3) Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy gắn với Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Đến hết năm 2022, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Phấn đấu năm 2022, thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp.

Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”; xây dựng cơ chế, chính sách của Tỉnh để thực hiện khâu đột phá xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh; tạo chuyển biến vững chắc đối với các vấn đề có tính chất nền tảng như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, “6 dám” dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; Nâng cao đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và và doanh nghiệp; Rèn luyện và thực hành phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được với tinh thần “5 thật” nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn với những kết quả đã đạt được; chống chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa cá nhân; đặc biệt tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19. 

Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực thực thi pháp luật toàn diện trên các lĩnh vực; có đủ năng lực thích ứng với sự thay đổi, lãnh đạo, quản trị rủi ro, linh hoạt, nhạy bén, quyết sách kịp thời. Củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; nâng cao hiệu quả công tác dân vận; chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp tại địa phương, ngay từ cơ sở.

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

Thưa các quý vị đại biểu!

Hội nghị hôm nay cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại một năm điều hành kinh tế - xã hội, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh từ góc nhìn, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.

Tại Hội nghị, chúng ta sẽ nghe báo cáo phân tích đánh giá chi tiết kết quả DDCI Quảng Ninh 2021, ý kiến chuyên gia về DDCI 2021 của Quảng Ninh, nhất là là ý kiến phát biểu của đồng chí Phạm Tấn Công về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao PCI, DDCI trong giai đoạn tới. Đồng thời, sẽ tổ chức Lễ ký kết Bản Ghi nhớ giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và VCCI về hợp tác triển khai cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2022 - 2025.

Với tinh thần đó, Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị công bố kết quả DDCI Quảng Ninh năm 2021. Trân trọng cảm ơn!

Đồng chí  Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng. Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh và đồng chí Phạm Tấn Công - Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam