Bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tiền mặt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tham dự và chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2021 tình hình dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội, trong đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác điều hòa, điều chuyển, cung ứng tiền mặt ra lưu thông, công tác an toàn kho quỹ. “Đối với công tác quản lý tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng và xác định đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo trong quản lý, điều hành. Công tác bảo đảm an toàn kho quỹ trong hệ thống Ngân hàng được Ban lãnh đạo quan tâm chỉ đạo sát sao, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định đã được ban hành”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua, các đơn vị trong hệ thống đã bám sát định hướng, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về công tác tiền tệ-kho quỹ, thực hiện tốt công tác cung ứng, bảo đảm cơ cấu tiền trong lưu thông hợp lý. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm cho công tác kho quỹ trong hệ thống ngân hàng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ quy định, quy trình trong tất cả các khâu. Do đó, công tác an toàn kho quỹ trong toàn ngành Ngân hàng về cơ bản đã đi vào nề nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Ngành ngân hàng cũng đã cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, cơ cấu mệnh giá đồng tiền tương đối đáp ứng được nhu cầu thanh toán thực tế. Công tác an toàn kho quỹ được quan tâm, chỉ đạo sát sao quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ có thể xảy ra rủi ro.
Định hướng trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu các đơn vị cần xác định công tác quản lý tiền mặt, công tác an toàn kho quỹ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hoạt động ngân hàng. Yêu cầu toàn ngành phải bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho nhu cầu của nền kinh tế với khối lượng, cơ cấu mệnh giá đồng tiền phù hợp, đặc biệt là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022. “Nhiệm vụ này đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo tất cả các đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Mặt khác, việc quản lý tiền mặt không chỉ là trách nhiệm của riêng Ngân hàng Nhà nước mà còn của tất cả các tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Đồng thời, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền mặt trong toàn ngành, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định, cơ chế… liên quan đến vấn đề quản lý kho quỹ, tiền mặt cho phù hợp với thực tiễn hơn, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào lĩnh vực này; bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, bảo đảm cơ cấu mệnh giá hợp lý và cần thiết; phấn đấu giảm thanh toán bằng tiền mặt bằng cách đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt…
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra