Tin tức đầu tư


Bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

30/06/2023

Ngày 24/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết quan trọng; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tiến hành phiên bế mạc Kỳ họp.

Quang cảnh phiên làm việc tại hội trường Quốc hội.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý một số nội dung lớn về sự cần thiết ban hành luật, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn; sự phù hợp với đường lối, với Hiến pháp, nhất là quyền con người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi với mục tiêu để phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Quan tâm đến việc bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết, điểm c khoản 1 Điều 13 của dự thảo luật quy định, căn cứ số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập và tổng số lượng các chức danh Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, UBND cấp xã theo đề nghị của Công an cấp xã quyết định về số lượng người tối thiểu để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng tối đa tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Đại biểu cho rằng, quy định này còn bất cập, vì chưa có nguyên tắc, tiêu chí làm căn cứ xác định số lượng tổ bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, tổ dân phố, số tổ viên tham gia; quy trình thủ tục hành chính quyết định số lượng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cấp thôn, xã còn rườm rà, mất nhiều thời gian thực hiện.