"Chìa khóa" để Quảng Ninh giữ vững ngôi vị quán quân PCI
Tại lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 diễn ra sáng 15/4, tỉnh Quảng Ninh một lần nữa đứng đầu bảng xếp hạng, vượt trên Đồng Tháp, Long An. Đây là năm thứ 4 liên tiếp tỉnh này giành "ngôi vương" và năm thứ 8 liên tiếp đứng trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đáng chú ý, điểm tổng hợp PCI của Quảng Ninh năm 2020 là 75,09, là địa phương duy nhất đạt thang điểm trên 75, các chỉ số thành phần cải thiện vượt bậc như Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...
Để có được kết quả này, Quảng Ninh cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính được coi là một trong những khâu đột phá quan trọng. Năm 2012, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên thí điểm mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và huyện, từng bước hiện đại hóa nền hành chính công, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thời gian giải quyết ở khu vực hành chính công giảm từ 40-60%, có thủ tục giảm trên 70% thời gian so với quy định. Tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh, trực tiếp hỗ trợ nhà đầu tư.
Trung tâm hành chính công các cấp là bước đột phá cải cách thủ tục hành chính của tỉnh.
Ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển KCN Việt Hưng, đại diện nhà đầu tư dự án tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô tại Quảng Ninh nhận xét: “Chúng tôi đã thực hiện dự án đầu tư ở rất nhiều tỉnh thành, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi làm thủ tục được cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án trong vòng 24 tiếng, quả thực rất ấn tượng”.
Hiện nay, tỉnh đã cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 trên 85%, thanh toán lệ phí không dùng tiền mặt, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; là một trong những tỉnh đầu tiên vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh...
Nền tảng cải cách của Quảng Ninh chính là yếu tố con người. Chủ động và quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh thần cầu thị, lắng nghe tiếng nói của nhà đầu tư, doanh nghiệp từ lãnh đạo tỉnh cho tới từng địa phương giúp Quảng Ninh trở thành "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ trong nước và quốc tế.
Ông Đào Duy Hảo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua: “Chính từ sự động viên đối với doanh nghiệp, giúp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, lãnh đạo chính quyền đã tổ chức những hội nghị mang tính chuyên sâu, đi trực tiếp nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, mô hình cà phê doanh nhân và kịp thời giải quyết vướng mắc khó khăn. Các dự án đều được công bố công khai, các doanh nghiệp đều có thể theo dõi, chúng tôi đánh giá rất cao tính minh bạch”.
Việc khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành địa phương (DDCI) giúp Quảng Ninh truyền lửa cải cách xuống cơ sở.
Việc mạnh dạn triển khai mô hình hợp tác công - tư với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", "1 đồng vốn ngân sách Nhà nước thu hút 8-9 đồng vốn tư nhân" vào đầu tư các công trình như sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã góp phần giúp Quảng Ninh hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Để "truyền lửa cải cách" xuống cấp cơ sở, Quảng Ninh kiên trì, bài bản triển khai điều tra và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện thị DDCI.
“Đây là những nỗ lực rất lớn của địa phương muốn đánh giá, thúc đẩy thực thi của cấp sở, ngành, địa phương. Quảng Ninh chọn mục tiêu xây dựng và đánh giá Bộ Chỉ số DDCI theo tôi là bước đi rất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI đánh giá.
Năm thứ 4 liên tiếp đứng đầu bảng, áp lực giữ vững ngôi vương với Quảng Ninh cũng không hề nhỏ.
“Vấn đề đặt ra là làm sao Quảng Ninh có thể giữ được vị trí đứng đầu, vượt qua chính mình. Nhận thức tầm quan trọng của PCI trong phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đặt ra chỉ tiêu “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI”. Đây là lần đầu tiên các chỉ số này được đưa vào thành một chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh” - ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Quảng Ninh hiện đã xây dựng đề án với những nhiệm vụ trọng yếu, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bình đẳng, hấp dẫn, thông thoáng trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Dư địa cải thiện các chỉ số còn nhiều, áp lực giữ vững vị trí dẫn đầu cũng chính là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực không ngừng trên đường đua PCI trong những năm tới./.