Tin tức đầu tư


Chính sách đột phá phát triển bền vững ngành công nghiệp then chốt

19/12/2023

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.

Xưởng hàn thân vỏ xe tại Nhà máy ô-tô Vinfast.

Để đạt được mục tiêu này, cần sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ của các cơ quan ban, ngành, sự chung sức của các doanh nghiệp của cả nhà nước và tư nhân, cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Công nghiệp vẫn phát triển chậm

Hơn 2,5 năm kể từ sau Đại hội XIII của Đảng, vượt qua các thách thức khách quan do dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Nền kinh tế vẫn duy trì được động lực tăng trưởng, Việt Nam được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính-tiền tệ quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: Việt Nam là một điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, năm 2023, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6% đến 6,5%. Đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế là lĩnh vực công nghiệp, với các ngành then chốt như: công nghiệp chế biến-chế tạo, công nghiệp da giày, công nghiệp điện-điện tử,…

Cơ cấu nền kinh tế có sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp tư nhân, đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế, chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững, chính sách chưa có sự đột phá. Công nghiệp chưa thật sự là nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo Bộ Công thương, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ, tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng mất dần.

Trong thời gian dài, tỷ trọng công nghiệp chế biến-chế tạo chỉ chiếm 12-13% GDP. Xét cả thời kỳ dài của nền kinh tế, so sánh với nhiều nước trong quá trình công nghiệp hóa của họ, thường ở mức khoảng 30% GDP, thì con số này là thấp. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, khi nói về đóng góp GDP, giá trị gia tăng của ngành được tính bằng sản lượng tạo ra trừ đi trung gian đầu vào (nguyên vật liệu, phụ kiện, linh kiện…). Muốn nâng cao giá trị gia tăng, khoảng cách giữa sản lượng và trung gian đầu vào phải lớn, nhưng trong nhiều năm qua, khoảng cách này hẹp lại.

Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn thấp, thua kém các nước khác trong khu vực và châu lục. Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Thí dụ, hiện nay hằng năm nước ta phải bỏ ra khoảng 4 tỷ USD (khoảng 96.920 tỷ đồng) để nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực và ngoài khu vực ASEAN. Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung ở các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều, các dây chuyền sản xuất quy mô lớn còn ít.

Đẩy nhanh công nghiệp hóa

Nhìn lại thời gian qua, nhiệm vụ phát triển công nghiệp của Việt Nam tuy được quan tâm, đạt một số thành tựu nhưng kết quả còn hạn chế, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được; trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp. Nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp không đạt mục tiêu phát triển như kỳ vọng bởi chính sách khuyến khích thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, đầu tư cho các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp mũi nhọn quá dàn trải. Việt Nam đang thiếu ngành công nghiệp chủ đạo, là “đầu tàu” dẫn dắt các ngành công nghiệp hỗ trợ khác phát triển theo.

Công nghiệp ô-tô là một thí dụ điển hình. Dù đã có định hướng từ Chính phủ trong thời gian dài trước đây, nhưng đến nay, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp sản xuất ô-tô đúng nghĩa. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 3/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ đã không đạt được kết quả như kế hoạch đặt ra.

Mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 40% vào năm 2005, đáp ứng hơn 80% nhu cầu trong nước về số lượng và đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2010 với xe phổ thông; mục tiêu sản xuất được ô-tô để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu đã không đạt được. Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng đang đứng trước nhiều khó khăn khi các mục tiêu đề ra chưa đạt tiến độ. Doanh số toàn thị trường ô-tô Việt Nam đến tháng 6/2023 mới đạt 177 nghìn chiếc, bằng 1/3 so với cả năm 2022.

Theo chiến lược này, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có thể sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô-tô thế giới,… Yêu cầu này gần như khó đạt được khi các chi tiết quan trọng đó vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Giai đoạn 2026-2035, Việt Nam phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô-tô khu vực và thế giới, đáp ứng hơn 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô-tô trong nước. Những mục tiêu này khó đạt được nếu các bộ, ngành liên quan không vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là không thường xuyên đánh giá kịp thời, rà soát kết quả đạt được sau mỗi giai đoạn. Vì vậy, đứng trước cơ hội, mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, sự vào cuộc triển khai các chiến lược, mục tiêu đóng vai trò quan trọng để thành công.

Trong những năm tới, trước bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế hết sức gay gắt, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của công nghiệp càng được đặt ra cấp thiết. Chặng đường phía trước không còn dài khi chỉ còn 7 năm cho mục tiêu Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và còn 22 năm để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Từ nay đến năm 2025, Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6,5%-7%/năm; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hơn 6,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Ðại hội XIII của Ðảng nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ðối với hầu hết các quốc gia tiên tiến trên thế giới, để trở thành nước công nghiệp, nước phát triển, đạt mức thu nhập cao, đều phải tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được kết quả như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, trước mắt các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chủ trương, chính sách đối với ngành công nghiệp chủ đạo đủ mạnh, tương tự như các nước trong khu vực để thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới, dẫn dắt các ngành công nghiệp khác phát triển.

Theo nhandan.vn