Chủ động nguồn vốn đầu tư công trung hạn
Phát huy kết quả đã đạt được, trên cơ sở nhận diện rõ tình hình, bối cảnh hiện tại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 còn có những diễn biến phức tạp, khó lường và để đảm bảo cho mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới, UBND tỉnh đã thực hiện rà soát nhu cầu đầu tư của các chủ đầu tư và UBND các địa phương. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ có hơn 500 dự án được khởi công mới, với nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh khoảng 126.000 tỷ đồng.
Cầu Cửa Lục 1 phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành.
Được biết, ở giai đoạn 2016-2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh đạt trên 50.000 tỷ đồng (chưa bao gồm ngân sách huyện, xã), trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 5.500 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh. Từ thực tế cho thấy, nguồn vốn này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư các dự án, công trình, nhất là đối với những dự án động lực, trọng điểm, tạo nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy phát triển liên kết vùng và nguồn vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Qua rà soát nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến sẽ có hơn 500 dự án được khởi công mới, với nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh khoảng 126.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án khởi công mới giai đoạn 2022-2025 là 400 dự án, với nhu cầu về vốn hơn 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả làm việc với Bộ Tài chính về số dự kiến giao thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, tỷ lệ % điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 dự kiến là 48/52 (tức là Trung ương 48%, ngân sách địa phương 52%), giảm 13% so với thời kỳ 2016-2021.
Theo đó, tổng nguồn vốn dành cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ninh chỉ có trên 37.400 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: Nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh trên 20.300 tỷ đồng (nguồn thuế, phí tập trung; thu hồi vốn ứng cho ngân sách tỉnh, vốn đã ứng cho Trung ương, thu hồi vốn quỹ phát triển đất); nguồn thu tiền sử dụng đất trên 15.300 tỷ đồng; còn lại là nguồn xổ số kiến thiết và nguồn cải cách tiền lương. Như vậy, so với nhu cầu về vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 sau khi đã được UBND tỉnh thực hiện rà soát sẽ hụt rất lớn. Đây là vấn đề khó khăn trong bối cảnh hiện tại khi mà tỉnh Quảng Ninh đang đẩy nhanh tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Với nguồn vốn hạn hẹp, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu, nguyên tắc phân bổ phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 303/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh.
Cầu Vân Tiên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang tích cực triển khai thi công.
Đặc biệt sẽ tập trung nguồn vốn để thực hiện thanh toán nợ đọng XDCB, đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược; công nghệ thông tin, viễn thông; các KKT, khu công nghệ; hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, ứng phó với biến đổi khí hậu…, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024