Đầm Hà đẩy mạnh chuyển đổi số trong các vùng nông thôn
Đầm Hà là một trong những địa phương được ghi nhận đẩy mạnh chuyển đổi số trong các vùng nông nghiệp nông thôn. Chuyển đổi số là cơ hội cho Đầm Hà hướng tới khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân hiện đại, bền vững, giá trị và thu nhập cao.
18 mắt camera an ninh được xã Đầm Hà lắp đặt tại các điểm nút giao thông, các nhà văn hóa nằm trong hạ tầng chuyển đổi số vùng nông nghiệp nông thôn năm 2022 của huyện Đầm Hà. Chức năng của hệ thống này là ghi lại hình ảnh tại các vị trí lắp camera, nhằm phục vụ công tác quản lý cũng như xử lý những tình huống vi phạm nếu có. Đầu mối thường trực giám sát hệ thống camera này được giao cho các đồng chí công an xã. Các đồng chí lãnh đạo xã, thôn là thành viên trong nhóm zalo chung có quyền truy cập để nắm bắt, khai thác, quản lý hình ảnh từ camera, đưa ra quyết định xử lý nếu hình ảnh thu được thể hiện tình huống vi phạm.
Hệ thống camera an ninh lắp đặt tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà đang phát huy hiệu quả.
Sáng 22/10, trên màn hình hệ thống camera an ninh hiển thị vị trí đầu tuyến đường thôn Xóm Giữa có hình ảnh tấm pano lớn nằm ngang trên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Thông tin này đã được công an xã trao đổi với cán bộ xã, được thông báo trên zalo nhóm quản lý camera, đồng thời kết nối bằng điện thoại đến trưởng thôn Xóm Giữa. Rất nhanh sau đó, trưởng thôn Xóm Giữa và người có tấm pano đã kiểm tra hiện trường và xử lý sự việc. Tấm pano cỡ lớn được di chuyển đến nơi phù hợp, trả lại vỉa hè thông thoáng, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Hệ thống camera an ninh lắp đặt tại xã Đầm Hà đã và đang đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, cũng như được người dân ủng hộ. Người dân tại các điểm lắp đặt mắt camera tình nguyện đứng ra trông nom bảo vệ, cho mắc nhờ vào vị trí phù hợp, cho sử dụng nguồn điện của gia đình để vận hành, phối hợp lực lượng chức năng xử lý sự việc từ nguồn tin hình ảnh camera ghi lại. Có thể nói, người dân nhận thức rất rõ tác dụng của camera an ninh.
Hiện nay xã Đầm Hà cũng đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM nâng cao theo bộ tiêu chí chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, trong đó, bao gồm nội dung thí điểm xây dựng thôn thông minh. Thôn Đầm Buôn được triển khai thí điểm thôn thông minh đầu tiên của xã Đầm Hà.
Mô hình thôn thông minh Đầm Buôn với nhiều hoạt động chuyển đổi số. Ví như khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân lắp đặt camera an ninh tại nhà, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường kết nối thông qua môi trường mạng và các ứng dụng thông minh trên điện thoại smartphone... Từ sự nỗ lực, quyết liệt tuyên truyền và hành động của lãnh đạo xã, thôn cũng như sự tham gia tích cực của người dân, mô hình thôn thông minh Đầm Buôn ngày càng rõ nét.
Đáng nói, hiện những chuyển động trong số hóa nông nghiệp nông thôn không chỉ diễn ra tại xã Đầm Hà nói trên mà là trên toàn huyện. Địa phương này có kế hoạch, tiến độ triển khai cụ thể, dành nguồn lực tương đối cho việc chuyển đổi số.
Điều đáng ghi nhận là tư duy chuyển đổi số đã đi vào nhận thức và hành động trong nông dân, nông hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đầm Hà, tạo nên những lợi ích lớn và có tính lan tỏa. Bằng chứng cho việc này là hiện nay, trên toàn huyện Đầm Hà ngày càng xuất hiện những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, đặt biệt tiến tới làm chủ các yếu tố mà trước đây phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, tiếp cận và phát huy thương mai điện tử...
HTX thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan (trụ sở xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chuyên về sản phẩm hải sản ăn sẵn, trong đó sản phẩm chủ lực là chả cá, chả mực các loại. Điểm rất đáng ghi nhận của Khánh Đan là việc đơn vị này tiếp cận thương mại điện tử từ khá sớm. Doanh thu mỗi năm của HTX Khánh Đan từ 30-40 tỷ đồng, trong đó đa số đơn hàng là đặt hàng qua mạng. Khâu thanh toán là chuyển khoản, rất nhanh chóng và thuận tiện. Nhờ tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, hàng hóa của Khánh Đan hiện nay có mặt trên toàn quốc, mang lại doanh thu lớn cho đơn vị, và thu nhập cho người lao động...
Có thể thấy, không ít những điểm cộng trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Đầm Hà hiện nay là từ số hóa mang lại. Trên đà chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra trong từng nông hộ, từng doanh nghiệp nông nghiệp trên vùng nông thôn của huyện Đầm Hà, địa phương này đang có kế hoạch đẩy mạnh cũng như nâng chất hoạt động số hóa đã có.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra