Tin tức đầu tư


Đầu tư cho cảng biển: Thu hút những dự án lớn

06/11/2021

Kinh tế biển được Quảng Ninh xác định là động lực, mũi nhọn của nền kinh tế dịch vụ - công nghiệp. Hiện thực hoá mục tiêu này, năm 2019, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU với lộ trình định hướng đầy đủ, rõ ràng các kế hoạch phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn với 8 chỉ tiêu trong 3 giai đoạn 2019-2025 và 2026-2030 và đến năm 2045. 

Ngày 24/10, Quảng Ninh tổ chức khởi công Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái).

Quảng Ninh có lợi thế sở hữu 250km đường bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu, ít bồi lắng, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng; tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế... Theo đánh giá của Bộ GTVT, điều kiện kinh tế biển của Quảng Ninh có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực. Đồng thời, phù hợp với xu thế phát triển của vận tải hàng hoá đang được ưa chuộng hiện nay trên thế giới, đó là đường biển. Hiện cảng biển Quảng Ninh đang đảm nhận trên 40,5% tổng lượng hàng hóa và hành khách khu vực phía Bắc.

Nghị quyết 15-NQ/TU ở giai đoạn 2019-2025 được ban hành hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực cảng biển Quảng Ninh được định vị và có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh; hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao, đồng thời khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng các loại dịch vụ có lợi thế; phát triển mạnh du lịch biển, trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.

Qua 2 năm thực hiện nghị quyết, các hoạt động, doanh thu cảng biển cơ bản vẫn duy trì ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển không bị đứt gãy, có xu hướng tăng trưởng vào nửa cuối năm 2021. Đồng thời, từng bước hoàn thành và phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, thông minh có khả năng kết nối cao với các phương thức vận tải theo hướng hợp lý hóa, giảm thời gian, chi phí vận tải; phát triển dịch vụ cảng biển đảm bảo chất lượng, phù hợp với xu thế hội nhập và dịch vụ cảng biển trở thành một trong những dịch vụ quan trọng của tỉnh.

Hãng tàu MAERSK LINE thí điểm đưa tàu làm hàng container tại cảng CICT Cái Lân vào tháng 9/2021.

Đáng chú ý, cuối tháng 10/2021, Quảng Ninh đã chính thức khởi công dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của cảng Vạn Ninh trên 2.248 tỷ đồng, dự kiến thời gian xây dựng 3 năm. Quảng Ninh cũng đang tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét (cụm cảng Cẩm Phả), nơi có luồng nước sâu, đã từng đón tàu lớn nhất khu vực miền Bắc với tải trọng gần 180.000 tấn vào làm hàng. Vị trí quy hoạch xây dựng cảng Con Ong - Hòn Nét có vùng neo đậu lặng sóng rộng lớn, dù hiện nay đang vận hành theo hình thức cảng nổi, chuyển tải, tuy nhiên khu vực cảng đang chiếm tới trên 60% lượng hàng hóa qua các cảng biển của Quảng Ninh.

Với quan điểm phát triển đúng đắn, phù hợp, cảng biển Quảng Ninh đang có sự bứt phá. Trong đó, ngành du lịch và dịch vụ biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế hàng hải có sự phát triển, trong đó dịch vụ vận tải, cảng biển và hậu cần cảng biển có bước phát triển mới, với hệ thống cảng biển hiện đại. Hiện Quảng Ninh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, xác định phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển...

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)