Để Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kinh tế biển
Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã luôn chú trọng đầu tư các nguồn lực, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế.
Tàu biển cập bến tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh đẩy mạnh việc thể chế hóa bằng việc thành lập Ban chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển Quảng Ninh. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các Đề án để ban hành thêm các Nghị quyết, chương trình hành động liên quan đến phát triển kinh tế biển, như: Đề án phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Quảng Ninh giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển du lịch Quảng Ninh thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển khu kinh tế Vân Đồn…
Cùng với đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tổng hợp, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, TP Móng Cái đang được gấp rút triển khai, góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế.
Quảng Ninh cũng tăng cường thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Qua đó, tăng tốc phát triển từng ngành, lĩnh vực kinh tế biển một cách cụ thể, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững.
Đặc biệt, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh luôn chú trọng đến việc gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển và gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường…
Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển của Quảng Ninh đã dần phát huy được hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2011-2021, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển chiếm khoảng 20%; riêng giai đoạn 2019-2023, tỷ trọng này là 17,4% do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đây vẫn là con số khá cao so với mục tiêu phát triển kinh tế biển của cả nước tại Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Khai thác lợi thế biển để nuôi tôm tại xã Đại Bình, huyện Đầm Hà.
Phát biểu tại kỳ họp lần thứ nhất về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, ngày 12/4 vừa qua, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, kinh tế biển được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, xây dựng và ban hành chương trình hành động, kế hoạch, tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tỉnh cũng vẫn gặp phải một số khó khăn về đào tạo nguồn nhân lực; hệ thống chính sách pháp luật về biển còn thiếu; phát triển kết cấu, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng; khó khăn về môi trường, nước biển dâng…
Để có thể đẩy nhanh việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi một số nội dung về giao các khu vực biển; phân cấp, phân quyền thực hiện giao biển cho cá nhân trong vùng biển 6 hải lý. Các bộ, ngành quan tâm xây dựng đề án phát triển khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; ban hành bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo. Đồng thời, ủng hộ các đề án do tỉnh đang xây dựng về phát triển nhanh, bền vững kinh tế biển Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Đề án phát triển khu kinh tế Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm Vịnh Hạ Long…
Hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển là 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng,... Về định hướng chiến lược, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. |
Minh Đức (Báo Quảng Ninh)
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024