Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch
Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội diễn ra sáng 27/9, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã bày tỏ nhiều quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn mang tính xây dựng để phát triển kinh tế-xã hội chất lượng, bền vững.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng diễn biến dịch COVID-19 kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân.
Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép,” song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine...
Những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong những tháng đầu năm còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, song cũng có những nét tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng tới 21,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19.
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Qua tham vấn sâu rộng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố là: khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế, khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế. Giai đoạn 1 (đến quý 1/2022): ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Ngoài ra, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA); nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước để tạo thêm không gian kinh tế trong nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành.
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai thác hiệu quả trục cao tốc dọc tỉnh
- Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025
- Hạ Long tập trung hiện thực hóa các quy hoạch
- Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài
- Triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược
- Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024
- Phấn đấu thu xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
- Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đông Triều
- Kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư nghiên cứu dự án công nghiệp, cảng biển, logistics gắn với tăng trưởng xanh
- AMATA City Hạ Long tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc