Tin tức đầu tư


Định hướng phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững

31/08/2023

Nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, đứng thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước. Định hướng phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào tín hiệu tích cực. 

Đột phá trong công nghiệp chế biến, chế tạo

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tỷ trọng ngành này trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh ngày càng tăng.

Bình quân tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 19%/năm, cao hơn 2% so với mức bình quân mà Nghị quyết 01 đề ra. Tổng vốn đầu tư trên 32.976 tỷ đồng. Tổng số lao động tăng lên khoảng 9.200 người. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang được chủ đầu tư tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất, điển hình như Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim, Công ty TNHH Điện tử Tonly Việt Nam có sản phẩm mới là vòng tay thông minh...

Khu vực sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng).

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng chân tại Quảng Ninh nhìn chung đều có những điều chỉnh phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng để thích ứng với “trạng thái bình thường mới” sau dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được đa dạng hóa để phù hợp hơn với xu hướng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ đó, 8 tháng năm 2023, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã tăng so với cùng kỳ năm trước, như com-lê, quần áo đồng bộ, tấm sàn Vinyl Tines, tấm Silic...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án quy mô lớn, vốn đầu tư 100 triệu USD là: Dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho xe ô tô của Công ty TNHH Antoliv Việt Nam; dự án sản xuất khóa, chốt và dập định hình Boltun của nhà đầu tư Đài Loan. Mới đây, Quảng Ninh lại tiếp tục đón tin vui khi Foxconn đầu tư 2 dự án tại KCN Sông Khoai, với tổng mức đầu tư gần 250 triệu USD. Bao gồm: Dự án Nhà máy FMMV Foxconn dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2024, thuộc lĩnh vực sản xuất, gia công linh kiện sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông; dự án Nhà máy FECV Foxconn dự kiến hoàn thành vào tháng 1/2025, thuộc lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện...

Có thể nói, Nghị quyết số 01-NQ/TU đã trở thành kim chỉ nam thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và công nghiệp nói chung.

Tạo nền tảng vững chắc

Than là một trong những sản phẩm chủ lực đóng góp giá trị không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và quốc gia. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ than đối mặt với những khó khăn, như: Giá nhiên liệu, vật liệu đầu vào tăng cao, khai trường mỏ bị thu hẹp, xuống sâu… Từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, gắn với thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU (ngày 9/5/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Gần đây nhất, sau Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, ngày 13/7/2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Báo cáo số 477/BC-BCSĐ đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy những giải pháp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho ngành than. Tại báo cáo này, tỉnh đã tập trung giải quyết 4 nội dung, trong đó thống nhất với chủ trương đối với đá thải sau tuyển, cám đá độ tro cao (sản phẩm sau sàng tuyển từ các nhà máy sàng, tuyển than tập trung ngoài mỏ) được bán cho các đơn vị có nhu cầu để sử dụng, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương tích cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất khai thác các mỏ...

Trung tâm Điều hành sản xuất tại Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (TP Hạ Long).

Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Sở KH&ĐT đang xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành để triển khai cụ thể, trong đó xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện những giải pháp thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT với mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn KCN, KKT đạt ít nhất 1 tỷ USD, từ đó, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị, duy trì đà tăng trưởng. Theo đó, các đơn vị liên quan đang tập trung rà soát quỹ đất sạch tại địa bàn các KCN, KKT dựa trên đề xuất của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN để tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chăm sóc nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; thường xuyên gặp gỡ để lắng nghe, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn…

Bằng các giải pháp đồng bộ, 8 tháng năm 2023, sản lượng than sản xuất đạt 29,5 triệu tấn, điện đạt 25,7 tỷ kWh, xi măng đạt 2,4 triệu tấn, clinker đạt 3,4 triệu tấn, gạch nung đạt 843 triệu viên... Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,43% so với cùng kỳ, duy trì đà tăng trưởng, tạo nền tảng quan trọng đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Cao Quỳnh BQN