Tin tức đầu tư


DOANH NGHIỆP LẠC QUAN VỀ TRIỂN VỌNG KINH DOANH

24/01/2021

 

Khác với thông lệ, việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2021 đã phải bổ sung nhiều phương án dự phòng cũng như kịch bản điều hành, do xuất hiện biến số Covid-19. Dự báo triển vọng kinh doanh chưa bao giờ khó đến thế, nhưng kết quả khảo sát của một số tổ chức uy tín và đánh giá của DN ở một số ngành nghề quan trọng đều cho thấy có nhiều tín hiệu khả quan.

Một công đoạn trong dây chuyền may áo xuất khẩu của Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam).

Cơ hội khởi sắc

Công ty cổ phần Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tác động MEVI gần đây liên tục xuất hiện trong các sự kiện và hội thảo về sản xuất, kết nối kinh doanh. MEVI là thành viên mới nhất thuộc hệ sinh thái gồm chuỗi các DN, hợp tác xã do nhóm doanh nhân trẻ sáng lập từ năm 2016. Thông qua hoạt động kết nối, thu mua, điều phối hàng hóa với các nhà sản xuất và bán chéo sản phẩm giữa các thành viên, đến nay, MEVI đã kết nối hơn 60 DN nhỏ và vừa để phân phối gần 200 sản phẩm là đặc sản vùng, miền trong cả nước, sản xuất theo tiêu chí xanh, sạch, truy xuất rõ nguồn gốc. Trong đó có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao sau chế biến, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới, được thị trường đón nhận như bún dâu tây, mỹ phẩm chăm sóc da nguồn gốc thảo dược... Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc MEVI cho biết, bằng lối đi riêng, đột phá vào mắt xích yếu nhất trong DN là tính liên kết, MEVI và hệ sinh thái vẫn hoạt động tốt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng hơn 20%. Năm 2021, DN này kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhờ sự thúc đẩy liên kết ba nhà: Nhà nông, Nhà nước và DN đang được Chính phủ và các bộ, ngành triển khai mạnh mẽ.

Nhiều DN Việt Nam đang có sự phục hồi khả quan nhờ các chính sách kích cầu thị trường nội địa thông qua các loại hình kinh doanh bán lẻ, du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong đó phải kể đến DN du lịch, lữ hành với kế hoạch nỗ lực chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới". Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường nội địa chưa thể giúp ngành du lịch phục hồi hoàn toàn nhưng mang lại nhiều ý nghĩa xã hội khác. Trong đó, quan trọng nhất là tạo việc làm cho một số lượng nhất định người lao động. Thị trường nội địa với mức tăng trưởng bất ngờ sau đại dịch cũng giúp đẩy nhanh đà phục hồi của DN hàng không Việt Nam. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021, sản lượng vận tải hành khách nội địa của VNA dự kiến tăng trưởng tốt hơn năm trước, tiến gần tới điểm phục hồi. Theo kịch bản lạc quan, năm 2022, sản xuất, kinh doanh của VNA sẽ trở về quy mô như trước đại dịch Covid-19; còn theo kịch bản thận trọng, thời điểm phục hồi là năm 2023. Ðây là mức phục hồi nhanh so với tình hình chung của thị trường hàng không quốc tế.