Tin tức đầu tư


Doanh nghiệp nỗ lực "đứng vững" trong đại dịch

13/09/2021

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Thời gian qua, cùng với hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh, các doanh nghiệp của Quảng Ninh đã nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp để có thể đứng vững trong “bão dịch”.

Cán bộ, nhân viên VNPT Quảng Ninh kiểm tra thiết bị đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc.

Những tác động của dịch Covid-19 khiến cho doanh thu của VNPT Quảng Ninh 8 tháng năm 2021 sụt giảm 20%. Ông Phan Văn Phúc, Phó Giám đốc VNPT Quảng Ninh, cho biết: Để ổn định kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đơn vị đã tăng cường triển khai dịch vụ chăm sóc khách hàng trên nền tảng số như My VNPT, VNPT Pay... Đồng thời, tăng băng thông, nâng cấp đường truyền, tặng dung lượng cho các thuê bao phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi và giải trí khi ở nhà phòng, chống dịch. Cung cấp phần mềm VNPT E-Learning (Hệ thống quản lý học tập LMS) đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của các đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh cung cấp các phần mềm cho các đơn vị, khai thác khách hàng tại khu vực còn dư địa, nâng cao chất lượng đường truyền phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương.

VNPT Quảng Ninh cũng đang tập trung nguồn lực củng cố hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Nhằm khắc phục tình trạng "lõm" sóng di động, năm 2021, đơn vị đầu tư 83 trạm thu phát sóng (BTS), qua đó, nâng tổng số lên thành 825 trạm BTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đơn vị đầu tư 16 trạm tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi. Đồng thời, lắp đặt 76 tuyến cáp quang đến các thôn, khe bản, đảm bảo thông tin liên lạc, nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần ổn định trật tự xã hội.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đa dạng hóa sản phẩm nhằm khai thác lợi thế, đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất. Trong đó có Công ty TNHH MTV New star. Đầu năm 2021, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường một dòng sản phẩm là muối tôm sấy Phú Trang và muối tôm sá sùng Phú Trang.

Bà Cao Hồng Vân, Giám đốc Công ty, cho biết: Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm muối đặc trưng làm gia vị để nấu các món ăn. Nhờ đó, muối sẽ có hương vị rất đặc biệt, ngọt thanh và đậm đà tự nhiên. Mặc dù mới đưa ra thị trường song sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và bước đầu được người tiêu dùng quan tâm, đón nhận. Song song với đó, Công ty đã chủ động kết nối, hoàn thiện thủ tục, làm việc với các kênh phân phối để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: Voso, Tiki, Sendo, Postmart… Hiện, doanh thu từ việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nhà máy Dệt may Weili Việt Nam sẽ được sản xuất ổn định từ ngày 1/11/2021.

Khắc phục những khó khăn do dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu thiết bị, tuyển dụng lao động, đưa chuyên gia vào làm việc, Tập đoàn Vĩnh Trọng (Đài Loan, Trung Quốc) đang tích cực đưa Nhà máy Dệt may Weili Việt Nam vào sản xuất từ ngày 1/11/2021. Công ty Dệt may Weili Việt Nam là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn Vĩnh Trọng đầu tư tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long). Hiện đơn vị đang tích cực vận hành thử nghiệm nhà máy từ ngày 15/8; tiếp tục nhập khẩu, lắp đặt, trang bị thiết bị phục vụ sản xuất; thực hiện thủ tục đưa chuyên gia nước ngoài vào làm việc.

Bên cạnh đó, Công ty cũng làm việc với các trường đào tạo nghề, Trung tâm giới thiệu việc làm và địa phương để tuyển dụng lao động. Song song với đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 được Công ty đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, ổn định sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu kép.

Những cách làm mới, chủ động đã giúp doanh nghiệp dần thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng địa phương.

Cao Quỳnh (Báo Quảng Ninh)