Tin tức đầu tư


Doanh nghiệp Việt trước thách thức “xanh hóa” của EU

09/11/2023

Việc xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp nhiều thách thức khi doanh nghiệp phải đáp ứng các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh, bền vững đầy khắt khe.

Thách thức từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 500 triệu người. Sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Việt Nam đã xuất hàng hóa sang EU với giá trị gần 128 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, những lợi thế này đã phần nào bị ảnh hưởng, bởi doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thác thức để đáp ứng được các quy định mới, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... gọi chung là tiêu chuẩn xanh của EU.

Đặc biệt từ 1/10, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện thí điểm quy định mới. Theo đó, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại EU, còn gọi là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trước những yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn và chi phí khổng lồ.

Doanh nghiệp Việt trước thách thức “xanh hóa” của EU - Ảnh 1.

Doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thác thức để đáp ứng được các quy định “xanh hóa” của EU. Ảnh minh họa.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU, dựa trên cường độ phát thải CO2 tại nước sở tại. Phát thải được tính trong quá trình sản xuất ra hàng hoá cũng như từ nguyên liệu đầu vào.

CBAM đã được áp dụng thí điểm từ tháng 10 vừa qua và thực hiện đầy đủ từ năm 2026, dự kiến sẽ tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, CBAM sẽ tập trung vào các nhóm hàng hóa là sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen, điện và xi măng...

Ông Đỗ Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn cho biết: "Phải tăng thêm chi phí tín chỉ carbon từ 10 - 50 Euro trên tấn sản phẩm nếu không khai báo trung thực phát thải CO2. Rất nhiều những khó khăn thách thức. Thứ nhất là rào cản về mặt công nghệ. Thứ hai là liên quan đến những cơ chế chính sách của nhà nước".

Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen, điện chính là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Tuy nhiên, sau đó CBAM có thể sẽ mở rộng phạm vi áp dụng sang nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nữa.

Các tiêu chuẩn môi trường mới của EU

Theo Nghị viện châu Âu, EU cam kết nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990 và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Thuế carbon được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất để điều chỉnh lượng xả thải carbon hằng năm.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) cho phép Liên minh châu Âu đơn phương áp giá carbon đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia ngoài khu vực, nhưng vẫn phù hợp với quy định của WTO. Bên cạnh đó là hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới nữa sẽ được EU áp dụng trong thời gian tới.

Thỏa thuận xanh của EU gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.

Ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu, Cao uỷ Thương mại Liên minh châu Âu cho biết: "Chúng tôi xây dựng những quy định để hướng tới chuyển đổi sản xuất xanh, nhưng cũng đảm bảo rằng những quy định đó sẽ không trở thành rào cản cho thương mại. Ví dụ như cơ chế CBAM không có tính phân biệt đối xử. Các hàng hoá sản xuất trong EU hay hoàng hoá nhập khẩu vào EU sẽ đều phải chịu mức giá các bon bằng nhau. CBAM cũng sẽ khấu trừ giá carbon mà nhà sản xuất đã thanh toán ở những quốc gia khác. Rõ ràng là đã được thiết kế để bảo vệ môi trường mà không trở thành rào cản thương mại".

Cũng trong khuôn khổ thoả thuận xanh, tháng 6 vừa qua, EU đã ban hành quy định chống phá rừngEUDR, có hiệu lực từ ngày 30/12/2024, ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Ông Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu, Cao uỷ Thương mại Liên minh châu Âu cho hay: "Cộng đồng xã hội ở Liên minh châu Âu mong muốn rằng các hoạt động thương mại liên quan tới EU sẽ không dẫn tới những hệ quả xấu như phá rừng ở những quốc gia khác. Nhưng khi xây dựng quy định này, chúng tôi cũng đặc biệt lưu tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ sản xuất nông nghiệp, bằng cách cung cấp những hướng dẫn, lộ trình rất rõ ràng và đảm bảo rằng quy định chống phá rằng sẽ không tạo ra những gánh nặng không cần thiết".

Doanh nghiệp thích ứng

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này.

Nhiều ngành hàng thuộc nhóm sản xuất công nghiệp phát thải cao như dệt may, da giày… cũng sẽ phải thích ứng với các quy định này. Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, nhiều ngành của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hóa và nhiều quy định của EU đang được thực hiện.

Sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế bớt cho đất sét; đốt lò bằng rác, để giảm bớt đốt than... thời gian qua, Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn đã giảm được khoảng 20% lượng khí các bon thải ra môi trường. Nhưng để xuất khẩu sang EU được thuận lợi, doanh nghiệp cho biết, còn phải giảm thêm nhiều.

Doanh nghiệp Việt trước thách thức “xanh hóa” của EU - Ảnh 2.

Ngành cà phê Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều tác động nhiều nhất của quy định chống phá rừng của EU. Ảnh minh họa.

Ngành cà phê Việt Nam, diện tích canh tác chủ yếu manh mún nhỏ lẻ, dự kiến sẽ chịu nhiều tác động nhiều nhất của quy định chống phá rừng của EU. Các doanh nghiệp ngành này cho biết đang sẵn sàng chuyển đổi xanh nhưng cần một căn cứ chung từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho hay: "Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bộ ngành địa phương, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu chung để chúng ta triển khai".

Những tiêu chuẩn xanh của EU bao trùm hầu hết sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam. Sau EU, nhiều thị trường khác cũng sẽ thay đổi theo.

Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025. Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Những đòi hỏi, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ những biến động mới để xoay xở để thích ứng. Chính phủ cũng cần sớm ban hành xây dựng các tiêu chí, hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh, cũng như có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh.

Theo vtv.vn