Đổi mới sáng tạo - động lực tăng trưởng kinh tế
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, cũng như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá chiến lược trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Nửa nhiệm kỳ qua, quan điểm đó được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, cũng như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bước đột phá trong quan điểm về khoa học công nghệ tại Đại hội XIII của Đảng thể hiện cốt lõi ở việc thúc đẩy chuyển đổi từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp chủ động sáng tạo.
Hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia hiện có khoảng 50 công ty khởi nghiệp. Hàng loạt giải pháp mới như: robot, thực tế ảo, in 3D… từng bước làm thay đổi quy trình vận hành trong nhà máy, logistics, bệnh viện…
Năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số sáng tạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Các hệ thống website, ứng dụng, các hệ thống chúng ta sử dụng hàng ngày đang được thay đổi và cập nhật rất là nhiều. Điều tuyệt vời nữa đó là made by Vietnam", anh Hoàng Bảo Long, Giám đốc điều hành Công ty Lacbird, cho biết.
Mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó có các cơ chế riêng dành cho công nghệ như: ưu đãi về thuế, thu hút nguồn nhân lực, thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới. Đây là cơ sở để có được các bài học kinh nghiệm, từng bước nhân rộng tại các địa phương khác và mở rộng ra quy mô toàn quốc.
"Các cơ chế chính sách để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ mở ra thêm những không gian mới cho các trụ cột phát triển mới của thành phố như là kinh tế số, đổi mới sáng tạo", ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, nhận định.
"Các bộ, ngành, địa phương đã ra chiến lược, chương trình hành động cụ thể. Nhiều mô hình mới, nhiều phương thức sản xuất kinh doanh mới được hình thành. Nhiều phương thức huy động các nguồn lực tài chính cho đổi mới sáng tạo được thực thi", GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho hay.
Năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số sáng tạo. Mặc dù vậy, vẫn còn những rào cản trong cơ chế quản lý khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới.
"Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực, quy định cả về các thể chế sửa đổi làm sao huy động được nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tham mưu với các cấp có thẩm quyền dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước lớn hơn chi cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông tin.
Với lợi thế của nước đi sau, chúng ta có thể tiến thẳng vào các lĩnh vực mới của kinh tế số để bứt tốc, không chờ hoàn thiện công nghệ mới chuyển đổi số. Tinh thần quyết liệt ấy từ Đại hội XIII của Đảng cần được tiếp tục nâng cao để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo vtv.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024