Tin tức đầu tư


Động lực tăng trưởng kinh tế

09/07/2023

830 triệu USD đó là tổng vốn thu hút FDI của Quảng Ninh đạt được trong 6 tháng năm 2023. Nguồn vốn này chủ yếu được đầu tư cho ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT), ngày càng khẳng định là động lực tăng trưởng mới của Quảng Ninh.

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận ĐKĐT đối với 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) có tổng vốn gần 250 triệu USD. Ảnh: Hoàng Nga

Năm 2020, bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, động lực kinh tế chính của tỉnh là dịch vụ – du lịch dự báo ảnh hưởng nặng nề, xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu diễn ra mạnh mẽ…, tỉnh Quảng Ninh ban hành nghị quyết đầu tiên nhiệm kỳ - Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp CBCT giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Đến nay, sau 2,5 năm thực hiện, Quảng Ninh đã trở thành trung tâm phát triển ở miền Bắc với lượng vốn đầu tư lĩnh vực này ngày một tăng. Công nghiệp CBCT phát triển, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động đang trong giai đoạn chuyển dịch ngành nghề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn là động lực đóng góp quan trọng của nền kinh tế, một trong những trụ cột chính của tăng trưởng.

Cụ thể, kể từ giai đoạn Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU với quan điểm phát triển ngành Công nghiệp CBCT sẽ là tạo cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao; ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Đến nay, tỉnh đã có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp CBCT, với tổng vốn đăng ký đạt trên 100.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành này tăng 23,6% mỗi năm, đóng góp trên 10% tỷ trọng trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Đặc biệt, giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nguồn vốn đầu tư vào ngành Công nghiệp CBCT tại tỉnh vẫn có tính lan tỏa cao, hình thành “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Điểm nhấn đó là sự xuất hiện của hầu hết các tập đoàn kinh tế, thương hiệu nổi tiếng quốc tế đến từ: Mỹ, Séc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thụy Điển... với sự xuất hiện của các thương hiệu TCL, Foxconn, Jinko Solar... Trong đó, không ít nhà đầu tư đã và đang triển khai các dự án lớn với số vốn khủng lên đến hàng trăm triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư ngành Công nghiệp CBCT trong 2,5 năm qua đạt trên 41.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn FDI đạt trên 1.300 triệu USD, tạo việc làm cho gần 16.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Đáng chú ý, sự phát triển mạnh mẽ của ngành Công nghiệp CBCT đã giúp tỉnh thực hiện phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN. Trong đó, định hướng thu hút đầu tư để phát triển đã được thể hiện rõ nét, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao tại KCN Texhong; chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; chuỗi công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai...

Lắp ráp tivi tại nhà máy Foxconn, KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, cho biết: Những kết quả nổi bật của ngành Công nghiệp CBCT thời gian qua đã khẳng định sự mạnh dạn, tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết đoán trong hành động của các đồng chí lãnh đạo đứng đầu tỉnh. Trong bối cảnh ngành Than gặp khó khăn, ngành dịch vụ - du lịch chịu ảnh hưởng do dịch bệnh thì Quảng Ninh đã dành ưu tiên phát triển ngành Công nghiệp CBCT bằng việc ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - Nghị quyết đầu tiên của nhiệm kỳ với 38 nhiệm vụ thuộc 8 nhóm giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện. Cách làm này đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh 7 năm duy trì tăng trưởng 2 con số, tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Có thể thấy rằng, giai đoạn hiện nay, sức ép cạnh tranh về nguồn nhân lực và môi trường đầu tư ngày càng lớn; sự phát triển nhanh chóng từ các KCN, CCN trong khu vực vùng và xu hướng chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ đã buộc Quảng Ninh phải hành động. Với sự quyết liệt, mạnh dạn đột phá và kết quả thu nhận trong 2,5 năm qua, ngành Công nghiệp CBCT đã từng bước khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế năng động, hiện đại Quảng Ninh. Điều này sẽ giúp tỉnh sớm hiện thực hóa các kế hoạch phát triển trong tầm nhìn dài hạn, là cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh vào năm 2022.

Đỗ Phương BQN