FDI vào Việt Nam tiếp tục đà tăng, đạt 26,46 tỷ USD trong 11 tháng
Trong 11 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng 3,76%, còn vốn tăng thêm tăng 26,7% so với cùng kỳ. Tính cả phần góp vốn, mua cổ phần, cả nước thu hút được 26,46 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục đà tăng, dù tốc độ tăng không cao.
Tuy nhiên, tính chung là vậy, còn nếu tính riêng, có thể thấy, vốn đăng ký mới và đặc biệt là vốn tăng thêm tiếp tục duy trì mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ.
Cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 11 tháng qua, có 1.577 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, có 877 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn đang sụt giảm.
Ngược lại, góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ. Chính mức giảm mạnh của phần vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã kéo tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam trong 11 tháng qua chỉ còn tăng 0,1%. Phần góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh phần lớn là do thị trường M&A toàn cầu bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng tăng của vốn đăng ký, vốn đầu tư giải ngân tiếp tục giảm. 11 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà vốn giải ngân đã giảm như vậy. Song theo Cục Đầu tư nước ngoài, đại dịch đang dần được kiểm soát; Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; các doanh nghiệp cũng đang dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Điều này sẽ hỗ trợ cho giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Xét về đối tác, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2021.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 7,6 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,36 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư, tăng 17,6% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,7 tỷ USD[1], chiếm gần 14% tổng vốn đầu tư, tăng 54% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,…
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam