Tin tức đầu tư


Giáo sư Mỹ tiết lộ yếu tố giúp Quảng Ninh giữ ngôi vương về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong suốt 6 năm

12/07/2023

 

Theo GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cấp tỉnh ở Việt Nam, khi nói đến những địa phương là ví dụ tiêu biểu của cải cách thể chế, sẽ không thể thiếu những địa phương đã có sự phát triển vượt trội như Bình Dương, Quảng Ninh hay Bắc Ninh. Tuy nhiên, đối với vị giáo sư đã dành gần 20 năm nghiên cứu về quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, địa phương khiến ông ấn tượng và tò mò nhất lại là Đồng Tháp.

 

Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cấp tỉnh Việt Nam tiết lộ những địa phương được xem là hình mẫu của cải cách thể chế - Ảnh 1.

‏Theo kết quả PCI trong những năm gần đây, Quảng Ninh giữ vị trí quán quân ‏ ‏ ‏ ‏6 năm liên tiếp về chất lượng điều hành kinh tế. Theo ông, điều gì có thể giúp Quảng Ninh giữ vững được thứ hạng trong nhiều năm như vậy? 

‏Theo tôi, điều quan trọng nhất là Quảng Ninh luôn rất coi trọng các kết quả đánh giá của PCI. Họ theo dõi rất sát sao các chỉ số thành phần. Thậm chí, hàng năm, địa phương đều có báo cáo riêng về việc làm thế nào để cải thiện các chỉ số đó.‏

‏Ngoài ra, có một điểm mà tôi nhìn thấy ở Quảng Ninh đó là các lãnh đạo của địa phương như Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh đều xuất hiện trong sự kiện PCI hàng năm. Với tôi, đây là một minh chứng rất rõ cho sự đồng lòng của các cấp lãnh đạo Quảng Ninh trong việc cải thiện chất lượng của địa phương.‏

‏Mặc dù Quảng Ninh luôn giữ vị trí quán quân ‏ ‏ ‏ ‏trong 6 năm liên tiếp nhưng dường như việc cải thiện của tỉnh đã có dẫu hiệu chững lại. Minh chứng rõ nhất trong PCI là số lượng các chỉ số thành phần giảm điểm so với các năm trước đang nhiều hơn số lượng các chỉ số tăng điểm. Ông đánh giá ra sao về điều này? 

‏Theo báo cáo PCI mới nhất, điểm số của các chỉ số thành phần ở Quảng Ninh như chi phí đầu vào, chi phí gia nhập thị trường hay chi phí thời gian đều giảm so với những năm trước. Nhóm nghiên cứu chúng tôi vốn đã nhìn thấy điều này từ trước.‏

‏Trên thực tế, không chỉ riêng Quảng Ninh, khi một địa phương phát triển thì số lượng doanh nghiệp đến nơi này để hoạt động kinh doanh sẽ tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng thủ tục hành chính sẽ ngày một nhiều hơn, thời gian để hoàn thành thủ tục có thể cũng sẽ bị kéo dài hơn. Việc có thể giải quyết tất cả các nhu cầu của nhiều doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn hơn.‏

‏Thật ra không chỉ riêng Quảng Ninh đang gặp phải vấn đề này mà các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương đều có tình trạng tương tự.

Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cấp tỉnh Việt Nam tiết lộ những địa phương được xem là hình mẫu của cải cách thể chế - Ảnh 2.

‏Nếu để lựa chọn trong số các địa phương, đối với ông, địa phương nào có thể được xem là hình mẫu tiêu biểu của cải cách thể chế? 

‏Có 5 địa phương mà tôi luôn nghĩ là những tỉnh thực sự dẫn đầu.‏

‏Địa phương đầu tiên là Bình Dương. Thứ hai là Đà Nẵng. Mặc dù 2 nơi này không phải là những địa phương đổi mới nhất, nhưng trong nhiều năm, chỉ số PCI của những địa phương này luôn được đánh giá cao, đặc biệt ở những khía cạnh liên quan đên chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng hay quản trị điện tử. Còn ở khu vực phía Bắc, chúng ta có Quảng Ninh và Bắc Ninh. Hai tỉnh này có thể xem là những địa phương kiểu mẫu có nền kinh tế của tăng trưởng đáng kể nhờ cải thiện các vấn đề liên quan đến quản trị ở cấp địa phương.‏

‏Địa phương cuối cùng mà tôi luôn chú ý là Đồng Tháp. Đối với tôi, đây là một địa phương vô cùng thú vị và khiến tôi tò mò. Các kết quả về PCI của Đồng Tháp luôn được đánh giá khá tốt, luôn nằm trong top 10, tỷ lệ tham nhũng luôn ở mức thấp.‏

‏Nhưng có một vấn đề là, phần lớn những địa phương ông vừa nhắc đến đang có tình hình tăng trưởng kinh tế gần đây không mấy khả quan. Liệu điều này có ảnh hưởng đến kết quả năng lực cạnh tranh của những địa phương này trong năm sau?‏

‏Chúng ta hiểu đơn giản, PCI sẽ phản ánh những đánh giá của doanh nghiệp về mức độ hiệu quả trong điều hành của các địa phương theo từng năm. Cho nên, khi những vấn đề kinh tế xảy ra, các công ty nghĩ rằng chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về những vấn đề họ đang gặp phải, thì chắc chắn điều đó được phản ánh trong chỉ số PCI.‏

‏Vậy ông đánh giá ra sao về niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay? 

‏Trong báo cáo PCI có một phần được gọi là “Nhiệt kế kinh doanh”. Đây là một phương pháp đo lường tỷ lệ doanh nghiệp trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai. Theo những gì tôi nghiên cứu và quan sát, một trong những điểm đáng chú ý trong năm nay là niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng trái ngược nhau.‏

‏Cụ thể, niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài đã bắt đầu có dấu hiệu cải thiện ở hiện tại và có thể trong vòng 1 năm tới, trong khi đó, niềm tin của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn tiêu cực hơn một chút. Có lẽ, những doanh nghiệp này đã gặp khó khăn hơn trong việc phục hồi do ảnh hưởng của COVID-19, thói quen chi tiêu của khách hàng thay đổi, khủng hoảng kinh tế.‏

Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cấp tỉnh Việt Nam tiết lộ những địa phương được xem là hình mẫu của cải cách thể chế - Ảnh 3.

‏Sau gần 20 năm nghiên cứu PCI, năm nay ông và nhóm nghiên cứu đã công bố thêm một chỉ số mới liên quan đến môi trường, hay còn được gọi là Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Vậy động lực nào đã giúp nhóm nghiên cứu đưa ra bộ chỉ số PGI này là gì? 

‏Chính lãnh đạo các địa phương đã những người đã gợi ý cho chúng tôi xây dựng một bộ chỉ số riêng về môi trường. PGI ra đời nhờ cuộc trò chuyện của chúng tôi với các lãnh đạo đạo địa phương hiện đang gặp khó khăn trong vấn đề đối mặt với các rủi ro về môi trường. Những vị lãnh đạo này đều hiểu về mối nguy hiểm của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp, nhưng họ gặp khó trong việc đưa ra các giải pháp để cân bằng giữa việc phát triển kinh tế địa phương nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường.‏

‏Cho nên, họ mong muốn chúng tôi có thể xây dựng một bộ chỉ số đo lường để biết được mức độ hiệu quả của các chính sách xanh, cũng như các chính sách khuyến khích các công ty tham gia vào các hoạt động phát triển bền vững.‏

‏Theo như kết quả PGI, địa phương dẫn đầu lại là Trà Vinh chứ không phải TPHCM hay Hà Nội, tại sao lại như vậy? 

‏Trước hết, tôi phải nhấn mạnh rằng, đây là năm đầu tiên PGI được đưa vào nghiên cứu, các kết quả chưa thật sự được đánh giá đầy đủ, cho nên vẫn còn rất nhiều điểm cần phải được cải thiện và phát triển. Mặc dù vậy, Trà Vinh là một trong số ít những địa phương được đánh giá cao ở tất cả các khía cạnh của chỉ số PGI. Trong khi đó, các địa phương khác chỉ được đánh giá cao ở một khía cạnh nào đó trong PGI. Chẳng hạn như Bắc Ninh, địa phương này được đánh giá cao ở khía cạnh giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhưng các chỉ số thành phần khác lại không được như vậy.‏

‏Về lý do Trà Vinh đạt được thứ hạng cao như vậy, theo tôi, do chủ yếu Trà Vinh là tỉnh nông nghiệp, làm du lịch nên lâu nay môi trường luôn là vấn đề được địa phương quan tâm. Chính vì thế, Trà Vinh đã đi trước các địa phương khác một bước trong việc đưa ra các quy trình và hướng dẫn để có thể bảo vệ môi trường.‏

Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cấp tỉnh Việt Nam tiết lộ những địa phương được xem là hình mẫu của cải cách thể chế - Ảnh 4.

‏Không chỉ riêng Trà Vinh, nếu nhìn vào chỉ số PGI, các địa phương khác như Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đang rất nỗ lực để phát triển kinh tế địa phương nhưng vẫn đảm bảo được tính bền vững. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, những nơi này sẽ gặp thách thức rất lớn trong việc đạt được kết quả cao trong đánh giá PGI. Bởi lẽ, đây đều là những thành phố lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều hơn, mật độ dân số cao hơn, đồng nghĩa với việc các thách thức về ô nhiễm môi trường sẽ lớn hơn rất nhiều so với những địa phương như Trà Vinh.‏

‏ Như ông vừa đề cập, bộ chỉ số PGI mới ở trong giai đoạn đầu phát triển. Vậy đâu là yếu tố ông đang muốn cải thiện hơn trong việc xây dựng PGI? 

‏Có một điều mà tôi thực sự muốn làm ở thời điểm hiện tại đó là xây dựng và phát triển một bộ dữ liệu cứng về ô nhiễm, biến đổi khí hậu. Hiện, các dữ liệu về ô nhiễm không khí chúng tôi đã thu thập được rất nhiều, nhưng dữ liệu về ô nhiễm nguồn đất, hay nguồn nước thì vẫn còn rất hạn chế. Cho nên, chúng tôi đã mời một nhóm chuyên gia môi trường để đánh giá và góp ý để hoàn thiện bộ chỉ số PGI.‏

‏Trên cương vị là người đã đặt nền móng cho PCI, việc phát triển bộ chỉ số PGI lần này có tầm quan trọng như thế nào trong trong lộ trình phát triển của Việt Nam trong tương lai? 

‏Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.‏

‏Nói đơn giản, PGI được xây dựng nhằm để giúp các tỉnh điều chỉnh và tạo ra các chính sách phù hợp để đối phó với biến đổi khí hậu nhưng không gây nguy hiểm cho khu vực kinh doanh, giúp lãnh đạo địa phương nói riêng cũng như Việt Nam nói chung có thể quản lý sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và sự bền vững của môi trường.‏

‏Bằng việc xây dựng PGI, chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Báo Nhịp sống thị trường