Gỡ "nút thắt" trong thu hút vốn đầu tư FDI
Quảng Ninh có diện tích quy hoạch KCN, KKT lớn nhất cả nước (trên 17.000ha), có nhiều địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư; cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức. Tuy nhiên, sức thu hút đầu tư đối với nguồn vốn FDI chưa thực sự sôi động, hấp dẫn, làm chậm quá trình phát triển của tỉnh.
Sản xuất tấm silic tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (KCN Sông Khoai).
Vẫn còn nhiều "điểm nghẽn"
Năm 2022, mục tiêu đặt ra của tỉnh Quảng Ninh thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Mặc dù đã có nhiều sự đổi mới trong thu hút đầu tư, tuy nhiên kết thúc năm, con số này đạt được tương đối khiêm tốn (622,6 triệu USD), đạt 41,5% kế hoạch. Kết quả này đã đưa Quảng Ninh nằm ngoài tốp 10 các tỉnh, thành phố có tổng vốn thu hút FDI đứng đầu toàn quốc do Bộ KH&ĐT thống kê, tổng hợp. Nguyên nhân thì có nhiều, đã được các sở, ban, ngành, địa phương thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận, chỉ rõ, như: Bất ổn chính trị, thương mại trên thế giới, giá nguyên nhiên vật liệu tăng, chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn, hạ tầng KCN, KKT chưa đầu tư đồng bộ, nguồn lao động chất lượng cao còn thiếu và yếu...
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, số nhà đầu tư FDI, nhất là nhà đầu tư chiến lược đến với địa bàn Quảng Ninh tương đối thấp, chưa thu hút được nhà đầu tư FDI lớn, “Sếu đầu đàn” có vai trò dẫn dắt ở những lĩnh vực mà tỉnh quan tâm kêu gọi, như chế biến, chế tạo, logistics từ thị trường đầu tư lớn Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, chưa có một mô hình liên doanh, liên kết trong hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước (hình thức đầu tư ở Quảng Ninh chủ yếu là mô hình 100% vốn FDI); trong khi đó, ở một số tỉnh, thành trong nước thì có nhiều, điển hình như: TP Đà Nẵng, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).
Theo một báo cáo mới đây của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ ra rằng, nguyên nhân chính được xác định chủ yếu thuộc trách nhiệm của một số sở, ban, ngành và chủ đầu tư hạ tầng các KCN. Về phần trách nhiệm của các sở, ban, ngành chưa thực sự phối hợp thật tốt trong tham mưu cho tỉnh đối với những chủ trương, định hướng mang tính đột phá, chiến lược, có tính dài hạn, hấp dẫn trong tạo lập, thu hút đầu tư các dự án FDI.
Điển hình, tại địa bàn KKT Vân Đồn, mặc dù Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn và xác định nơi đây sẽ là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 dự án FDI đang hoạt động và 3 dự án FDI nằm trong danh mục thu hút đầu tư, chiếm 3,5% tổng số dự án FDI kêu gọi đầu tư vào Quảng Ninh.
Công tác triển khai và rà soát quy hoạch trong các KCN thuộc trách nhiệm của sở, ban, ngành còn chậm. Cụ thể tại KCN Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên chưa được phê duyệt; quy hoạch ngành nghề vào các KCN còn chung chung, chưa tạo sự liên kết bổ trợ trong thu hút đầu tư. Công tác rà soát, quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trong KCN còn chưa chặt chẽ, có hiện tượng một số dự án đầu tư FDI kéo dài, không đảm bảo tiến độ.
Hạ tầng kỹ thuật KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên).
Trong khi đó, chủ đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN còn có tâm lý chờ đợi có nhà đầu tư thứ cấp rồi mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong KCN, trong khi nhà đầu tư FDI lại muốn có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật ngay thì mới quyết định đầu tư. Sự giằng co, chờ đợi này đã khiến cho nhiều KCN của tỉnh đến nay chưa thể lấp đầy diện tích. Tỷ lệ lấp đầy KCN trung bình đạt 40,77%, trong đó các KCN tại địa bàn KKT được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất thì lại có tỷ lệ lấp đầy thấp, cụ thể: KCN Nam Tiền Phong có tỷ lệ lấp đầy 1,21%, KCN Bắc Tiền Phong có tỷ lệ lấp đầy 1,13%; KCN Sông Khoai có tỷ lệ lấp đầy 12,40%, KCN Bạch Đằng có tỷ lệ lấp đầy 0%.
Một vấn đề khác, là nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao làm việc tại KCN ở Quảng Ninh còn thiếu. Quảng Ninh đang phải đối mặt với xu hướng dịch chuyển lao động từ địa bàn sang các tỉnh, thành lân cận do thiếu nhà máy, dự án sử dụng công nghệ cao từ trước đó. Nay bước đầu hình thành một số dự án công nghệ cao thì nguồn nhân lực chất lượng bị thiếu hụt trầm trọng. Chỉ tính riêng đối với địa bàn TP Hải Phòng, số lao động của tỉnh Quảng Ninh sang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN khoảng 13.000 người; số lao động của Quảng Ninh sang Hải Dương làm việc khoảng hơn 3.500 người; số lao động Quảng Ninh sang làm việc tại Bắc Giang trên 300 người.
Ông Hoàng Kim Tinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam, chia sẻ: Tham gia đầu tư vào Quảng Ninh chúng tôi được chính quyền và sở, ngành tạo rất nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, cái chúng tôi cần hiện nay, đó là nguồn nhân lực, lao động làm việc tại các nhà máy để tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Mặc dù một số nhà máy của chúng tôi đã đi vào hoạt động nhưng đến nay, số lao động chất lượng cao để đáp ứng tại nhiều vị trí quan trọng không có, ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động sản xuất.
Đi tìm giải pháp
Giải pháp nào để thu hút dồi dào nguồn vốn FDI thế hệ mới vào Quảng Ninh, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang là vấn đề được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Không bằng lòng với những tồn tại, hạn chế còn hiện hữu, ngay trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã lấy chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, làm đòn bẩy, động lực để cả tỉnh quyết tâm thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI vào địa bàn, coi đây là một nguồn lực mới trong định hướng phát triển bền vững, dài hạn phía trước.
Sản xuất vải dệt may tại Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nhiều lần khẳng định: Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư FDI thế hệ mới có trọng tâm, trọng điểm, tạo thế đan xen thu hút từ Đông Bắc Á, bao gồm các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Singapore. Từ đó sẽ ưu tiên đối với các dự án FDI thế hệ mới sử dụng ít nguồn lực (ít đất, ít lao động, ít năng lượng, ít gây ô nhiễm); các dự án chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng toàn cầu, tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, đất nước.
Từ thực tế đặt ra, Quảng Ninh cần phải có những giải pháp tập trung trong ngắn và dài hạn. Trong đó, cần thiết phải đảm bảo quỹ đất sạch tại địa bàn KCN, KKT; đảm bảo khả năng cung cấp điện cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ công; đổi mới nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư.
Ở đây, cần yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thứ cấp. Ban Quản lý KKT tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng rà soát lại các dự án sử dụng đất phù hợp, tránh tình trạng xin quá nhiều đất dư thừa, gây hoang hóa, lãng phí, đặc biệt đối với địa bàn: Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn. Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đề xuất tỉnh thu hồi, giảm diện tích KCN của một số nhà đầu tư hạ tầng; tham mưu UBND tỉnh làm việc, chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhất là chủ đầu tư hạ tầng KCN có nguồn vốn FDI, như: KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Bạch Đằng, KCN Cảng biển Hải Hà phải xây dựng kế hoạch triển khai xúc tiến, thu hút đầu tư cụ thể và cam kết đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút đầu tư.
Hệ thống máy sản xuất bột mì tại Công ty TNHH Sản xuất bột mì Vimaflour (KCN Cái Lân).
Các sở, ban, ngành của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, chủ động làm việc với Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài để nắm bắt thông tin về nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư FDI lớn, qua đó xây dựng kế hoạch, tham mưu cho tỉnh tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư; phối hợp với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN xây dựng dữ liệu thông tin chi tiết từng KCN, công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Hiện nay, vấn đề cấp điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện tại các KCN đang rất yếu, do vậy, các đơn vị liên quan cần thiết phải rà soát lại tổng thể nhu cầu sử dụng điện theo tiến độ, đề xuất với tỉnh, báo cáo Bộ Công Thương và EVN có lộ trình đầu tư phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Hiện tại công suất của Trạm biến áp 220kV Yên Hưng gồm 1 máy biến áp có công suất 250MVN (tương đương 225MW), công suất này chỉ đủ để phục vụ cho Trạm biến áp Amata 1, không đảm bảo công suất cho cả 2 trạm Amata 1, Amata 2 của KCN Sông Khoai. Do vậy, đơn vị đề nghị Sở Công Thương và các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh, đề xuất EVN đảm bảo tiến độ đầu tư nâng cấp công suất Trạm biến áp Yên Hưng và đường dây truyền tải dài khoảng 3,5km đến Trạm biến áp Amata 2.
Về giải pháp cải thiện nguồn lao động chất lượng cao, Sở LĐ,TB&XH nhanh chóng chủ trì, nghiên cứu các giải pháp để thúc đẩy triển khai mô hình 5 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư”, trong đó nâng cao chất đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề gắn với thực tập, thực hành nghề tại các doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để định hướng các cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh nhanh chóng triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và chuyên gia tại các KCN để thu hút, giữ chân người lao động, chuyên gia gắn bó sinh sống, làm việc tại Quảng Ninh. Bởi hiện nay, tại các KCN của tỉnh, mới chỉ có duy nhất KCN Đông Mai là đã triển khai đầu tư nhà ở xã hội phục vụ công nhân lao động. Về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần chi trả mức lương thỏa thuận, có chính sách và điều kiện lao động tốt để thu hút, giữ chân người lao động.
Điều tiên quyết nhất là cần có môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ít chi phí không chính thức; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tâm huyết, trách nhiệm, uy tín, luôn xả thân, lăn lộn, đồng hành đi đến cùng, tạo nên uy tín, thương hiệu, niềm tin đối với nhà đầu tư. Đi đôi với đó, tỉnh cũng không thỏa hiệp, kiên quyết không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án FDI chậm tiến độ, giữ nhiều đất, sử dụng công nghệ lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ, môi trường và có đóng góp ít cho tăng trưởng kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước.
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai thác hiệu quả trục cao tốc dọc tỉnh
- Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025
- Hạ Long tập trung hiện thực hóa các quy hoạch
- Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài
- Triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược
- Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024
- Phấn đấu thu xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
- Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đông Triều
- Kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư nghiên cứu dự án công nghiệp, cảng biển, logistics gắn với tăng trưởng xanh
- AMATA City Hạ Long tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc