Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là một trong 3 đột phá chiến lược giúp thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển KT-XH. Năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả đột phá này nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo và nhân dân đi trên tuyến đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long - huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) - tỉnh Lạng Sơn đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ mới được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Đỗ Phương
Tháng 7 là mốc thời gian đặc biệt, có nhiều sự kiện quan trọng có ý nghĩa của Quảng Ninh trong năm 2024 khi nhiều công trình mang tính động lực của tỉnh được khánh thành và đưa vào sử dụng. Qua đó không chỉ giúp hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn, mà còn thúc đẩy liên kết vùng, từ đó khai phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh.
Một trong số đó là dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long - huyện Ba Chẽ - tỉnh Lạng Sơn đoạn qua địa bàn huyện Ba Chẽ (điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long tại Km37+500, điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại Km58+405) chính thức hoàn thành và đưa vào khai thác. Với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, dài 20,9km, rộng 9m với 4 cầu (Thác Dạ, Thác Chạ, Khe Lũ, Khe Lào) và 1 nút giao đồng mức giao cắt với tỉnh lộ 330.
Tuyến đường đã hình thành hành lang đường bộ liên hoàn giữa TP Hạ Long, huyện Ba Chẽ với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; giúp giảm đáng kể quãng đường, thời gian di chuyển từ TP Hạ Long đến tỉnh Lạng Sơn và ngược lại. Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường đã đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa. Đồng thời, hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng không gian phát triển cho các địa phương; nhất là từng bước kéo gần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.
Thi công nền đường nối cầu Bến Rừng. Ảnh: Đỗ Phương
Với mục tiêu tăng cường liên kết, kiến tạo hệ thống giao thông liên vùng, năm 2022 tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã hợp tác thực hiện dự án xây dựng cầu Bến Rừng, hệ thống đường nối. Trong đó, dự án đường dẫn cầu Bến Rừng thuộc địa phận Quảng Ninh được thi công với tuyến đường có chiều dài 2,2km. Điểm đầu nối với cầu Bến Rừng, điểm cuối nối với nút giao tỉnh lộ 338, đoạn qua xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng với 6 làn xe, trong đó 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp cùng hệ thống dải phân cách, vỉa hè, cảnh quan cây xanh, điệu chiếu sáng và hạ tầng đảm bảo ATGT.
Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công, song sau hơn 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện từ nhiều phía và trong tháng 7/2024, dự án cầu Bến Rừng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đây là công trình hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, giúp khơi thông giao thương vận tải giữa các KCN, CCN, nhân dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên và TX Quảng Yên nói riêng, giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đồng thời, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa 2 địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần phát triển KT-XH, văn hóa các địa phương khu vực dự án.
Hiện Quảng Ninh cũng đang phối hợp với TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương đầu tư, kiến tạo một số dự án giao thông kết nối liên vùng giai đoạn 2022-2025, như: Tuyến nối QL18 và đường ven sông Đông Triều - Quảng Yên (Quảng Ninh) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương); trục giao thông kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương) với TP Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); đầu tư cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ nút giao với QL18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (TP Hải Phòng).
Trong năm 2024, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều dự án, công trình trọng điểm, như đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều; đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 333; nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338; đường dẫn cầu Lại Xuân...
Các công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ tạo động lực cho KT-XH của Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm QP-AN, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp