Hàng hóa qua cảng biển tấp nập, báo hiệu sự bứt phá của hàng hải năm 2023
Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện đứng thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Trung Quốc). Đây là cơ sở khẳng định năng lực cảng biển nội địa, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi hải trình toàn cầu.
Phát triển ngày càng quy mô
Đến đầu năm 2023, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển Việt Nam đã phát triển được quy mô hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển, bờ biển Việt Nam. Đáng chú ý là có nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp và các hãng tàu lớn của nhiều quốc gia đã và tham gia đầu tư xây dựng, khai thác cảng biển tại Việt Nam.
Hàng hóa qua cảng biển tấp nập, báo hiệu sự bứt phá của hàng hải năm 2023.
Theo rà soát của Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn PSA - Singapore (nhà khai thác cảng số 3 thế giới) đã đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA; Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đã đầu tư khai thác Cảng CMIT và Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hồng Kông (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) cũng đã đầu tư bến cảng SITV. Bên cạnh đó, các hãng tàu lớn trên thế giới cũng đã tham gia đầu tư, khai thác nhiều bến cảng biển khác như: Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…
Đối với các nhóm cảng biển, các công ty vận tải biển, khai thác hàng hải trong nước hiện cũng đã có những sự đầu tư nhất định về cơ sở hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, có thể đáp ứng được các nhu cầu hàng hóa, phát triển cảng biển. Điển hình, 2 nhóm cảng biển lớn nhất Việt Nam hiện nay là nhóm cảng biển số 1 và 4 đều có sự phát triển, đầu tư. Với nhóm cảng biển số 1, năng lực và tổ chức khai thác cảng đã được cải thiện đáng kể tại các khu bến cảng mới, đạt công suất xếp dỡ container tăng từ 500 - 800 Teus (1 Teus bằng 1 container 39 m3 thể tích) lên 1.000 - 1.200 Teus trên mét dài bến. Nhóm cảng biển số 4 là nhóm cảng biển phát triển nhất cả nước, tập trung tại khu vực TP Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu), với hơn 100 bến cảng và 220 cầu cảng dài gần 40.000 m.
Trong số các cảng biển này, nhiều cảng được đầu tư quy mô đồng bộ, hiện đại về trang thiết bị xếp dỡ, năng suất xếp dỡ đạt tiêu chuẩn cấp khu vực và quốc tế, thời gian giải phóng tàu hàng nhanh. Cụ thể, Bến cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là khu cảng tập trung khối lượng container thông qua lớn nhất cả nước, tiếp nhận được tàu trọng tải từ 20.000 - 30.000 tấn, hoạt động chủ yêu là vận tải biển đi các nước Châu Á.
Riêng khu cảng Cái Mép - Thị Vải là bến cảng nước sâu lớn nhất cả nước, hiện có thể đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới vào xếp dỡ hàng hóa. Năm 2022, khu vực cảng Cái Mép đã thiết lập được 22 tuyến đi Châu Mỹ, 2 tuyến đi Châu Âu và 10 tuyến đi nội Á, tăng 3 lần so với năm 2013 (năm 2018 có 8 tuyến đi Châu Mỹ và Châu Âu)...
Bài viết cùng chuyên mục
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hồng Kông vào tỉnh Quảng Ninh
- Phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI
- Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài
- Gỡ các điểm nghẽn, thu hút FDI vào ngành dược
- Tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài
- Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam
- Làm cách nào Việt Nam có thêm 40 tỉ USD năm tới?
- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Hải Hà
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố