HIỆP ĐỊNH RCEP: ĐÒN BẨY GIÚP GIẢM THÂM HỤT THƯƠNG MẠI TỪ NỘI KHỐI
Thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển. (Ảnh: TTXVN)
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục là điểm sáng của nền kinh tế. Tiêu biểu gần đây, khi đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở hầu hết các quốc gia và nền kinh tế mà Việt Nam có quan hệ thương mại, xuất khẩu năm 2021 vẫn tăng trưởng “2 con số,” thực sự là một kết quả ngoài mong đợi.
Có được thành công trên, theo các chuyên gia, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA và mới đây là RCEP… là một đòn bẩy quan trọng giúp các doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới, để từ đó tiếp cận với nhiều phân khúc thị trường, hạn chế được những rủi ro và nâng cao giá trị xuất khẩu.
Đột phá từ các FTA
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 668,55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%, giúp xuất siêu hơn 4 tỷ USD.
Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc thực thi các FTA trong 2 năm gần đây đạt kết quả tích cực, đặc biệt FTA thế hệ mới như Hiệp định Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Việt Nam-Anh (UKVFTA).
[Thương mại khởi sắc, xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng tăng hơn 16%]
Đơn cử, với thị trường EU, năm 2020 dù thị trường này gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng trong năm tháng đầu tiên thực hiện EVFTA (từ tháng 8-12/2020) thương mại của Việt Nam đã có mức tăng trưởng dương, thay vì tăng trưởng âm trước đó, đạt 3,8%. Thậm chí, trong bảy tháng tiếp theo đạt mức tăng trưởng 17,8%.
Với UKVFTA, ngay từ 1/1/2021, các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã được hưởng ưu đãi theo cam kết của hiệp định này và hiệu quả cũng được thấy rõ. Trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đã có mức tăng trưởng cao, 15,4%. Còn với hiệp định CPTPP, hai thị trường lần đầu tiên có quan hệ FTA là Mexico, Canada cũng có mức tăng trưởng trên hai con số.
Trong khi đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 5 đối tác kinh tế ngoài ASEAN là: Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản và Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2022 được đánh giá là “đòn bẩy” mới trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào một số thị trường quan trọng như Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), từ trước đến nay, Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc chủ yếu thông qua xuất khẩu tiểu ngạch.
Tuy nhiên, với RCEP - đây là một cơ hội mới giúp gia tăng xuất khẩu, song các doanh nghiệp phải thay đổi cung cách “làm ăn” và coi đây là thị trường cấp cao để khai thác hết các cơ hội. Còn đối với thị trường ASEAN, nhiều năm qua Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu từ thị trường này.
Do đó, với việc ký kết Hiệp định RCEP, đi cùng với các FTA cấp cao như CPTPP, EVFTA... sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa được thị trường, giảm thâm hụt thương mại từ một số đối tác.
Theo ước tính, tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Với tiềm năng rất lớn, các chuyên gia cho rằng hiệp định RCEP sẽ giúp gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất cũng như xuất khẩu, giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, qua đó phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và giảm rủi ro.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường RCEP hiện chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
“Việc thống nhất quy tắc xuất xứ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông chuỗi cung ứng trong khối, trong đó doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ thị trường ASEAN để xuất khẩu sang 5 đối tác tham gia Hiệp định RCEP cũng như nhập khẩu nguyên liệu từ 5 nước lớn đó để gia công chế biến cho chính các đối tác tại những nước này,” bà Lê Hằng chia sẻ thêm.
Chuyển dịch từ lượng sang chất
Như phân tích của nhiều chuyên gia, cùng với các FTA đã ký kết, hiệp định RCEP như một trợ lực giúp Việt Nam có thể đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, từ đó giúp tăng trưởng được mở rộng hơn.
Vì vậy, để khai thác hết cơ hội mà hiệp định mang lại, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lưu ý cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các cam kết của Hiệp định RCEP và không tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình đồng thời coi RCEP là trung tâm trong việc kết nối các “chuỗi cung ứng".
Đặc biệt, từ cơ hội gia tăng hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường RCEP thời gian qua, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng doanh nghiệp cần chủ động “tăng chất,” coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường RCEP như với CPTPP và EVFTA để đủ sức cạnh tranh và hưởng lợi.
Cụ thể hơn, đó là chiến lược để nâng cao năng lực xuất khẩu, trong đó không phải chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá mà còn phải cạnh tranh cả về chất lượng.
Cũng như các FTA khác, Hiệp định RCEP tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, vì vậy mà doanh nghiệp cần chủ động để sẵn sàng thích ứng trước các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhiều nước áp đặt cho hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia khác.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng để tận dụng được thành công từ hiệp định này thì tính chủ động của chúng ta phải cao hơn nhiều.
“Tính chủ động ở đây không phải chỉ từ cộng đồng doanh nghiệp mà cả cơ quan Nhà nước hướng dẫn doanh nghiệp có thể tận dụng được và chỉ khi tích cực và chủ động hơn thì chúng ta mới có thể khai thác hiệu quả được những thị trường mà nó có tiềm năng rất lớn như vậy…,” ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
- Xuất khẩu của Việt Nam vào một số nước Đông Nam Á trong quý 1/2022:
Báo cáo của Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công Việt Nam) cho thấy các nước đối tác thành viên trong RCEP là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong tốp 10 nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam (tính lũy kế tới hết 6/2021) có 6 nước RCEP (gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan), với tổng vốn đăng ký lũy kế chiếm 61% tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được.
Do đó, việc ký kết và thực thi RCEP được kỳ vọng sẽ làm gia tăng đầu tư từ khu vực này. Đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài.
Từ góc độ thương mại, các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là các nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, đây là cơ hội để doanh nghiệp có nguồn đầu vào giá tốt, nguồn công nghệ có chất lượng để cải thiện năng lực sản xuất, cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng đáp ứng các quy tắc xuất xứ hơn để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu trong RCEP.
Tuy nhiên, nguồn cung từ các nước RCEP cũng có thể sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường nội địa Việt Nam và như vậy, cùng với nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp thì việc hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cần được đặc biệt chú trọng.../.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024