Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong việc hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này có đủ năng lực khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh phúc lợi xã hội tại địa phương.
Cục Hải quan tỉnh và Công ty TNHH KCN Hải Hà ký Biên bản ghi nhớ tham gia Chương trình khuyến khích tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 366/QĐ-UBND ngày 3/2/2020 về Kế hoạch triển khai Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 8/6/2023 về triển khai thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và được lồng ghép trong công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có quy định phát sinh điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây phiền hà, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, các văn bản ban hành đảm bảo tính hợp biến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Các sở, ngành, địa phương của tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin cần thiết cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các trang website, fanpage của tỉnh, địa phương, sở, ngành; qua nhóm zalo, email, phát hành văn bản. Nội dung thông tin tập trung vào các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương, tỉnh; văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, những thông tin về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh rất phấn khởi khi thường xuyên được các cơ quan, đơn vị của tỉnh cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong phát triển KT-XH.
Một số sở, ngành đã chủ động tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của các nước trong khối EU, Đông Bắc Á, Nam Á về nhập khẩu lương thực, thực phẩm; các quy định, quy tắc về hợp tác quốc tế; những quy định về các cam kết trong Hiệp định ASEAN, ASEAN+ và RCEP, Hiệp định EVFTA, các cam kết chính của Việt Nam, quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; thông tin về chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu, cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở LĐTB&XH) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long bồi dưỡng kiến thức khởi sự cho doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Cao Quỳnh.
Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh cử cán bộ thực hiện nhiệm vụ thường trực hướng dẫn doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng các thủ tục khởi kiện; hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khởi kiện khi có nhu cầu; đăng ký với Bộ Tư pháp công nhận 6 tổ chức hành nghề và 7 cá nhân luật sư tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu.
Các sở, ngành liên quan cũng đã tổ chức 3 khóa đào tạo, 70 hội nghị, 29 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nội dung bồi dưỡng khá đa dạng, phong phú, tập trung vào các lĩnh vực pháp luật về lao động, kinh doanh, an toàn thực phẩm, đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, thuế, phí, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, ưu đãi doanh nghiệp có tính chất đặc thù, chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính.
Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng đã thực hiện những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh đã cơ cấu lại thời hạn vay nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với tổng dư nợ 7.124 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 53 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay số tiền trên 12 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 3.202 lượt người lao động.
Với những kết quả tích cực trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã góp phần nâng cao trình độ pháp luật cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong triển khai dự án, kế hoạch kinh doanh, hạn chế rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh, từ đó đã khuyến khích, tạo động lực cho nhiều tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp mới. Chỉ tính riêng trong 10 tháng, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.277 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mạnh Trườn
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024