Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam
9 tháng năm 2024, xuất siêu của Việt Nam với thị trường Hoa Kỳ đạt mức cao nhất, tiếp đó là thị trường EU và Nhật Bản.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Thông quan xuất khẩu hàng hóa tại cảng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+
Trong tháng 9/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỷ USD, mặc dù giảm 8% so với tháng trước nhưng vẫn tăng tới 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản sơ bộ đạt 28,8 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo sơ bộ đạt 253,9 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 9,6%). Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 9 tháng ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 43,56 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 2%); thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,2%); Hàn Quốc ước đạt 18,9 tỷ USD, tăng 7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 5,1%); Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 4,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Ở chiều ngược lại, về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch sơ bộ đạt 105 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 32,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13,6%); tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 41,46 tỷ USD, tăng 8,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 20,1%); ASEAN đạt 33,8 tỷ USD, tăng 12,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,5%); Nhật Bản đạt 16 tỷ USD, tăng 2,4%; EU đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,8%; Hoa Kỳ đạt 10,9 tỷ USD, tăng 6,2%.
Cán cân thương mại tháng 9/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,29 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu của nước ta trong 9 tháng năm 2024 khoảng 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Tính theo khu vực thị trường, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 28,8%.
Theo Báo Công Thương
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024