Hoàn thiện hạ tầng KCN để thu hút đầu tư
Với thành tựu nổi bật 6 năm liền dẫn đầu chỉ số PCI, Quảng Ninh được thị trường đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, ổn định với môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, an toàn. Đón bắt cơ hội phát triển mới, tỉnh đang đẩy mạnh hoàn thiện đồng bộ KCN, “xây tổ để đón đại bàng”.
KCN Hải Yên, TP Móng Cái.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 49-50% cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp theo hướng xanh, sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này, tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần lệ thuộc vào tài nguyên khoáng sản, đồng thời dành nguồn lực ưu tiên phát triển, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông kết nối và hạ tầng các KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đón các nhà đầu tư chiến lược.
Theo Quy hoạch phát triển các KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh sẽ có tổng số 16 KCN được quy hoạch và phân bố tại 10/13 địa phương với tổng diện tích hơn 17.000ha. Đến nay đã có 6 KCN có dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định gồm: Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên, Texhong Hải Hà, KCN Sông Khoai; 3 KCN gồm Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng đang trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng hoàn thiện, còn lại là đang triển khai việc lập và hoàn thiện các quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.
Xác định công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực quan trọng của nền kinh tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết đầu tiên (Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025; tập trung thu hút có chọn lọc các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng cường thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, với trọng tâm sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và đơn giản hóa các TTHC. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, gặp mặt tháo gỡ khó khăn và tăng cường các chiến lược thu hút doanh nghiệp lớn vào tỉnh theo định hướng lâu dài, bền vững.
KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên.
Hiện các KCN như Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản đầu tư đồng bộ hạ tầng, đang đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp hoạt động, trở thành các trung tâm sản xuất, chế biến, chế tạo của tỉnh. Các KCN như Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đang tiếp tục trong giai đoạn hình thành hoàn thiện song hành với việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy. Điểm nhấn quan trọng là yếu tố nhà ở xã hội đã được quan tâm, triển khai xây dựng gắn kết với hoạt động cụ thể tại từng KCN, điều này tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm, gắn bó, phát triển mở rộng. Để hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư triển khai các KCN, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách song hành, từ việc tập trung tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch, mở rộng phát triển đến công tác GPMB, bố trí nguồn vật liệu san lấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp điện, nước phục vụ khai thác, phát triển các KCN.
Nhờ những giải pháp cầu thị, chủ động, hiệu quả và sự hình thành nhanh chóng các KCN, những năm qua Quảng Ninh đón nhận sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, là những nhãn hàng uy tín, thương hiệu đẳng cấp trên thị trường đã đến tỉnh để triển khai xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất với quy mô ngày một mở rộng. Tính đến tháng 6/2023, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 dự án đăng ký và triển khai đầu tư, trong đó có gần 100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hút FDI đạt hơn 830 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD). Điều đặc biệt, phân bố không gian, quy hoạch các KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đã được thể hiện rõ nét, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao (KCN Texhong - Hải Hà), chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô (KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong), cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử (KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai).
Các doanh nghiệp trong KCN bước đầu có đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho gần 40.000 người lao động trong và ngoài tỉnh. Hạ tầng KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phát triển, trọng tâm là kết nối giao thông đồng bộ với các trung tâm kinh tế, du lịch, cửa khẩu của tỉnh, là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.
Đỗ Phương
Bài viết cùng chuyên mục
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia
- Hội thảo kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - LB Nga tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông
- Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
- Quảng Ninh 40 năm đổi mới và phát triển: Bứt phá ấn tượng
- Hội nghị chuyên đề toàn quốc “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
- Tỉnh Quảng Ninh tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư năm 2024
- Sớm xây dựng cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B
- Doanh nghiệp ngành logistics trước áp lực “xanh hóa”
- Năm 2024 phải là năm bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công
- Doanh nghiệp ngoại tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam