Hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh
Sáng 4/3, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng góp vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển KT-XH của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư logistics đi đôi với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh nghiên cứu đầu tư phát triển dịch vụ logistics, như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, Vinacomex, Đông Dương Group. Nhiều dự án cảng biển, logistics đã và đang được đầu tư, như: Bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn); Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1 (TP Móng Cái); cảng hàng lỏng Yên Hưng (TX Quảng Yên)…
Qua thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 738/17.300 doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào hoạt động dịch vụ logistics, trọng điểm là hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và 23 đại lý tàu biển, 10 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ lai dắt và hỗ trợ kéo tàu biển. Doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi năm 2022 toàn tỉnh đạt trên 37.500 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược (gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế), hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị.
Với sự sáng tạo độc đáo, kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt sau khi khánh thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; kết nối đồng bộ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc..., mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển và logistics.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Với vị thế là một trung tâm logistics, với hạ tầng cứng đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa; nền tảng con người, cơ chế, thủ tục, dịch vụ logistics được đổi mới và cải cách căn bản, hình thành nên tính chỉnh thể của mạng lưới và cấu trúc logistics tiệm cận chuẩn mực quốc tế không chỉ đáp ứng nhu cầu cho cả vùng, đất nước, mà cả hợp tác xuyên biên giới, nâng cao hiệu quả thương mại quốc tế.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đến với Quảng Ninh, các nhà đầu tư và doanh nghiệp được lan tỏa lợi ích từ chính quyền địa phương với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, không ngừng nỗ lực tập trung cải cách nền hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, các nhà đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật.
Tỉnh Quảng Ninh hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản. Tỉnh sẽ đưa ra những dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư có niềm tin vững chắc, cam kết đầu tư lâu dài, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động, người dân và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành. Tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.
Hội nghị đã đón nhận 10 ý kiến phát biểu của đại biểu là những chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với những giải pháp hết sức cụ thể, thiết thực gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu nhấn mạnh: Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội cùng quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, logistics Quảng Ninh hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Trong đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.
Quang cảnh hội nghị.
Cùng với đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi” dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế nhằm nâng cao tính kết nối giữa Quảng Ninh với các địa phương trong vùng và với các vùng kinh tế trong nước, khu vực, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh; tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung - cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết; quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp. Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trọng tâm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái.
Trên cơ sở bản ghi nhớ, thỏa thuận đã được các sở, ngành của tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã ký kết tại hội nghị, đồng chí yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung đã ký.
Sở Công Thương ký kết thoả thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Sở Thông tin - Truyền thông ký kết thoả thuận hợp tác với Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel.
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Công Thương đã chứng kiến lễ ký kết 5 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các sở của tỉnh và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp. Trong đó, Sở Công Thương ký với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về hợp tác, hỗ trợ xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2035, tầm nhìn 2045”; Sở Thông tin - Truyền thông ký kết hợp tác với Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel về hỗ trợ chuyển đổi số trong logistics; Công ty CP Nam Tiền Phong với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Công ty CP Thành Đạt ký kết hợp tác với Công ty CP Vinafco; Trường Đại học Hạ Long ký kết hợp tác với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực logistics.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam