Khai thác tối đa lợi thế các Hiệp định thương mại tự do
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến thực thi và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Qua đó, đã giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm thuận lợi trong việc cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng container quốc tế Cái Lân.
Để khai thác và thực hiện hiệu quả các lợi ích do FTA mang lại, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường mở các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia cấp cao từ Trung ương; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền theo hướng tăng thời lượng và chất lượng thông tin của các cơ quan báo chí trên địa bàn; phát hành các ấn phẩm về đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế và đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về hội nhập quốc tế... Mới đây nhất, ngày 15/12/2023, Sở Công Thương phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Các cam kết chính trong Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực và tác động của Hiệp định đối với chuỗi cung ứng khu vực”. Hội thảo giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp có cách nhìn tổng thể về FTA và những cơ hội, thách thức do Hiệp định mang lại cho lĩnh vực hoạt động của mình, từ đó có thể khai thác hiệu quả lợi ích do các hiệp định này mang lại tại Quảng Ninh.
Đặc biệt, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã được nâng cao. Một số doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn đã quan tâm, chủ động tìm hiểu hoặc thông qua sự hỗ trợ của Sở Công Thương để tiếp nhận các thông tin mới về các tiến trình đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, lộ trình cắt giảm thuế theo các FTA đã ký kết... nhằm tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các FTA mang lại, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu với các đối tác mới, đặc biệt là các thị trường tiềm năng cao cấp như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia châu Âu...
Điển hình như, Công ty TNHH Vina New Tapra, với ngành hàng kinh doanh chủ yếu là các loại bạt được sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh với thành phần chính là hạt nhựa HDPE, LDPE, hạt Calpet và hạt Master batch đã tận dụng các ưu đãi của FTA để xuất sản phẩm sang các thị trường lớn, như: Châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Úc. Theo đại diện của Công ty TNHH Vina New Tapra, FTA đã mở ra ưu đãi cho hàng xuất của Việt Nam sang thị trường EU rất nhiều. Đây là lợi thế để Công ty cạnh tranh với các công ty bạt của Trung Quốc về thuế quan trong tình hình mới. Để tận dụng hết các lợi thế mà FTA mang lại, Công ty luôn cố gắng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc cho công nhân lao động nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu.
Chuyên gia giới thiệu về các hiệp định tại Hội thảo “Các cam kết chính trong Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực” và tác động của Hiệp định đối với chuỗi cung ứng khu vực.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương luôn coi trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách của các FTA thế hệ mới cho CBCCVC, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết, như: Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU), Hiệp định UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh) và Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và các đối tác)... Hiện nay, nhiều sản phẩm của tỉnh được chế biến sâu và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, như: Ruốc hàu, tôm Thái Bình Dương; nghệ vàng; nến...
Để tiếp tục giúp các doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi chính sách Hiệp định FTA, Sở Công Thương đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tiếp xúc với các doanh nghiệp qua các chương trình: Cà phê doanh nhân, đồng hành cùng doanh nghiệp... để định hướng cho các doanh nghiệp về các ngành hàng, mặt hàng tiềm năng và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Cùng với đó, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA; phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)) nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.
Minh Đức BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330