Khai thác triệt để tiềm năng logistics
Với những lợi thế, tiềm năng nổi trội, cùng quyết tâm mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và thế giới. Hiện Quảng Ninh đang có nhiều chiến lược đầu tư, biến những tiềm năng, lợi thế nổi trội này sớm hiện hữu.
Lãnh đạo TP Móng Cái giới thiệu với các nhà đầu tư về Quy hoạch cảng biển, logistics trên địa bàn.
So với các địa phương khác của tỉnh, TP Móng Cái có hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, thu hút nhiều doanh nghiệp với các dự án quy mô về dịch vụ logistics. Cho đến nay, đây là địa bàn phát triển logistics năng động nhất của Quảng Ninh. Để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển, TP Móng Cái đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư vào KKT Cửa khẩu Móng Cái. Phối hợp với TP Đông Hưng, khu Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức nhiều cuộc hội đàm trong khuôn khổ hợp tác giữa chính quyền các địa phương, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, thông thoáng trong hoạt động kinh doanh thương mại, XNK hàng hóa...
Theo Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam, thành phố đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu xây dựng khu vực cảng biển Móng Cái trở thành khu vực có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế, bước đầu hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao, hoàn thành và phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư cảng biển, TP Móng Cái đã triển khai nhiều dự án phụ trợ, kết nối, như: Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh có tổng chiều dài gần 9,5km, tổng mức đầu tư trên 520 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh, do UBND TP Móng Cái làm chủ đầu tư; hoàn thành việc đầu tư đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ cầu Voi đến tỉnh lộ 335; tích cực chuẩn bị đầu tư để từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông trong khu vực Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistics phía Nam sông Lục Lầm tại phường Hải Hòa gắn với đường dẫn cầu Bắc Luân II và nghiên cứu xây dựng cầu Bắc Luân III kết nối KKT Cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) với Khu thí điểm khai phát trọng điểm quốc gia Đông Hưng (Trung Quốc) và đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái, Hạ Long - Cẩm Phả…
Những động thái tích cực này của thành phố kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ và đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trong thời gian tới.
Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Trong đó Chính phủ cũng đã đặt kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.
Từ quy hoạch trên, với những thuận lợi về cơ sở hạ tầng, cùng những cơ chế, chính sách đặc biệt, Quảng Ninh đang tích cực phát triển logistics thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, XNK và thương mại trong nước... Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng CICT Cái Lân.
Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực khi địa phương hình thành các trung tâm logistics với tiêu chuẩn cao hơn, giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này hơn 45.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng giao thông có liên kết khu vực và kết nối với các KKT, KCN, cảng biển, để tạo ra các trung tâm mới phục vụ cho đầu tư quốc tế. Hiện Quảng Ninh là địa phương có hệ thống đường cao tốc mở rộng nhất Việt Nam, tất cả đều do tỉnh xây dựng. Hệ thống cao tốc này liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), đồng thời kết nối miền Bắc Việt Nam với phía Nam Trung Quốc.
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển như Vạn Ninh, kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong - Hòn Nét, hạ tầng các KCN cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc ở TX Quảng Yên, cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà), hệ thống đường bộ liên kết vùng với các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, đặc biệt là TP Hải Phòng.
Trên cơ sở định hướng phát triển dịch vụ logistics, tỉnh sẽ triển khai xây dựng 7 nhóm giải pháp; trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách với tư duy mở, cơ chế vượt trội, có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tốc độ hoàn thành hạ tầng giao thông liên kết; chủ động bổ sung và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, dịch vụ logistics nói riêng; tận dụng tối đa cơ hội phát triển các KKT, KCN, CCN, trọng tâm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Ðồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái.
Cùng với các giải pháp nêu trên, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu, nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động XNK, nhanh chóng thu hút các hãng tàu lớn như MAERSK, SITC chọn Quảng Ninh là điểm đến. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực xây dựng chương trình hợp tác giữa các hiệp hội logistics/hiệp hội ngành nghề của các địa phương, thông qua đó thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế khung để thu hút doanh nghiệp logistics lớn đầu tư và hoạt động tại khu vực. Về nhân lực, tiếp tục hợp tác giữa các cơ sở đào tạo về logistics của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, tăng cường đào tạo nghề, đào tạo nghiệp vụ.
Ðến nay, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với 39 dự án trên địa bàn liên quan đến hạ tầng logistics, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định về danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với tổng số 86 dự án, trong đó có 6 dự án liên quan cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics (chiếm 6,97% tổng số dự án).
Hoài Anh
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024