Khảo sát, đánh giá DDCI: Động lực nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp
Cải cách hành chính (CCHC), trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược với phương châm cải cách phải luôn hướng đến hiệu quả thực tế, lấy sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân làm thước đo. Nhìn từ kết quả khảo sát đánh giá của doanh nghiệp về TTHC trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2022, có thể nhận thấy, nội dung quan trọng này đã và đang được coi trọng và triển khai thực hiện quyết liệt, hướng đến hiệu quả thực chất để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI quốc gia phân tích kết quả PCI năm 2022 của tỉnh và đưa ra những định hướng, tham vấn cho tỉnh trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng khảo sát DDCI.
Năm 2022 là năm thứ 2 khảo sát DDCI triển khai đánh giá cụ thể chất lượng công tác giải quyết TTHC phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ở các sở, ban, ngành của tỉnh. Kết quả khảo sát đã cho thấy nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận từ quyết tâm cải cách mạnh mẽ và thực chất được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện. Trên 98% doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá rất cao tính công khai, minh bạch về yêu cầu thành phần hồ sơ và phí, lệ phí giải quyết TTHC của tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về công tác giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục đạt mức rất cao, trên 90% cho tất cả các công đoạn. Tỷ lệ không hài lòng chỉ chiếm 1-3% (giảm từ 2-7% so với năm 2021)...
Đặc biệt, kết quả khảo sát cũng cho thấy xu hướng doanh nghiệp coi phương thức trực tuyến là cách thức chính để tìm kiếm thông tin, chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ và nhận kết quả TTHC ngày càng gia tăng. Tỷ lệ doanh nghiệp chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh năm 2022 giảm từ 55% xuống còn 37%; có 25% số doanh nghiệp gửi hồ sơ hoàn toàn trực tuyến; 29% số doanh nghiệp vừa gửi hồ sơ trực tuyến, vừa gửi hồ sơ giấy đến sở, ngành tỉnh. Với công cuộc chuyển đổi số toàn diện được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong công tác CCHC, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp và có cơ sở để nhìn nhận, khai thác thêm những dư địa trong tiến trình cải cách.
Bên cạnh các kết quả tích cực, khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại, những điểm nghẽn trong công tác giải quyết TTHC ở các sở, ban, ngành. Điển hình như tỷ lệ doanh nghiệp phải điều chỉnh hồ sơ khi thực hiện TTHC vẫn còn lớn, dao động từ 13% đến 59% và chưa có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021. Trong đó, có một số sở, ban, ngành có tỷ lệ doanh nghiệp phải sửa hồ sơ cao trên 40% đã được cộng đồng doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ rõ, như: Sở GD&ĐT, BHXH tỉnh, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở VH&TT, Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH, Sở TT&TT. Cùng với đó, khảo sát cũng cho thấy dù phương thức nộp hồ sơ TTHC trực tuyến đã được sử dụng ngày càng nhiều nhưng cá biệt vẫn có hiện tượng “ngâm hồ sơ” thay vì bấm nút “Hồ sơ đã được chấp nhận” ngay trong ngày hoặc trong 8 giờ làm việc...
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho doanh nghiệp trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Là năm đầu tiên việc khảo sát về chất lượng giải quyết TTHC được triển khai đối với 13 địa phương trên địa bàn tỉnh, kết quả khảo sát đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực của công tác cải cách ở cấp địa phương. Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp rất hài lòng và hài lòng về việc phục vụ khi thực hiện TTHC tại các địa phương đều ở mức rất cao, từ 94% đến 99% cho tất cả các công đoạn. Tuy vậy, kết quả đánh giá cũng cho thấy một số vấn đề các địa phương cần nhanh chóng nhìn nhận và khắc phục để cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa công tác giải quyết TTHC. Điển hình như tỷ lệ “rất hài lòng” của khối địa phương hiện vẫn còn thấp hơn đáng kể so với khối sở, ban, ngành; cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các địa phương cần phải nỗ lực hơn nữa để mang lại chất lượng phục vụ hành chính tốt hơn. Hay tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn phương thức trực tuyến để thực hiện các TTHC ở các cơ quan hành chính nhà nước cấp địa phương còn ở mức thấp; tỷ lệ doanh nghiệp phải điều chỉnh hồ sơ khi thực hiện TTHC còn ở mức cao; đồng thời, tỷ trọng thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra cho các công đoạn từ khâu nộp hồ sơ đến khâu nhận kết quả ở khối địa phương cũng khá lớn.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của tỉnh khi triển khai khảo sát và đánh giá thực chất chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, bên cạnh những kết quả tích cực, tỉnh đã trực tiếp chỉ rõ những điểm hạn chế, nêu tên rõ những sở, ban, ngành, địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong công tác cải cách. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy công tác CCHC ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh ngày càng mạnh mẽ, đi vào thực chất. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chắc chắn sẽ ngày càng có thêm nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh trong công tác giải quyết TTHC. Từ đó tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trên mọi chặng đường phát triển.
Minh Hà
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024