Khơi thông nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả FTA
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số khó khăn trong việc khai thác thị trường các FTA. Một trong số đó là nguồn lực tài chính hạn chế..., rất cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chưa khai thác hết cơ hội từ các FTA
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, quá trình thực thi các FTA đã mang lại một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, quá trình tận dụng FTA vừa qua cho thấy còn rất nhiều tồn tại cần được tháo gỡ. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường FTA còn rất khiêm tốn. Cùng với đó, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam cũng còn chưa đạt được kỳ vọng. Ví dụ như với EU, dù là thị trường được đánh giá tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức khoảng 26%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tận dụng được tốt các FTA phần lớn là doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tận dụng các cơ hội từ các FTA này còn tương đối hạn chế.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho hay, phần lớn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chưa xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP đầu tư phát triển đa quốc gia (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN
Về việc thực thi FTA của doanh nghiệp còn hạn chế, bà Nguyễn Thị Thị Lan Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng và đóng vai trò rất then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Dẫn kết quả khảo sát của VCCI, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, khảo sát doanh nghiệp thì có đến 55,6% đánh giá rằng họ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%. Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, doanh nghiệp cần tiếp cận tài chính dễ dàng hơn để có thể đầu tư một cách bài bản hơn, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA để tận dụng các FTA này tốt hơn.
Khơi thông nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm sút đến 30-40%. Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị vấn đề đầu tiên với Chính phủ, các Bộ, ngành là vấn đề tín dụng.
“Tín dụng, về lãi suất đóng góp đáng kể để tháo nút thắt khó khăn thời gian vừa qua. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã góp phần giảm áp lực rất nhiều, ít nhất tạo ra một dư địa trong hai tháng trở lại đây, tính từ thời điểm tháng 8/2023 đến giờ thì xuất khẩu thủy sản của chúng ta đã có sự tăng trưởng tính theo tháng”, ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Đề cập đến giải pháp tín dụng - tài chính cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam mong rằng, tiếp tục nhận được sự đồng hành của ngành ngân hàng để có thể cho doanh nghiệp vay đối với lãi suất với đồng Việt Nam là dưới 7% và lãi suất với USD là dưới 4%. Đây sẽ là một trợ lực đáng kể, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong năm 2024.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu sang những khu vực FTA- là một trong những đối tượng ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn, hiện nay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, ngân hàng mặc dù có lượng thanh khoản rất dồi dào, nhưng vẫn phải cho vay theo nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của mình, không thể hạ chuẩn để cho vay.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để tận dụng được nguồn vốn, trước hết, doanh nghiệp phải hướng tới sản xuất, tiêu dùng xanh theo xu hướng chung.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Lan Phương cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022 và một trong số những kiến nghị là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Trong đó đặc biệt lưu ý hơn đến với những doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội.
Theo đại diện Bộ Công Thương, đồng thời với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng cần phải cơ cấu lại, tập trung vào những ngành hàng xác định là thế mạnh để có kế hoạch vay và sử dụng nguồn tín dụng, tài chính được hiệu quả...
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý điều chỉnh quản trị tài chính, quản trị dòng tiền, quản trị về vấn đề sản xuất, lao động… để có thể đáp ứng điều kiện được các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay.
Theo baotintuc.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330