Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẵn sàng tăng tốc
Cửa khẩu Bắc Luân 2 (thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của các nhà đầu tư FDI tại Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Tân
Hạ tầng ngày càng hoàn thiện
Là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh. Mới đây, ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã khánh thành, đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80 km. Đây là “mảnh ghép cuối cùng” để Quảng Ninh hoàn thành tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài 176 km, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất, chiếm gần 17% trong 1.046 km cao tốc toàn quốc tính đến hiện tại.
Không những thế, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc gần 600 km, kéo dài từ cửa khẩu Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái - là chuỗi cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam hiện nay.
Nhiều dự án trọng điểm tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái khác cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Dự án Tuyến đường dẫn vào cầu Bắc Luân 2; Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341 từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh - giai đoạn I (đang triển khai giai đoạn II); Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mekong GMS lần thứ 2 (ADB); Dự án Cải tạo, nâng cấp đường xuyên đảo xã Vĩnh Thực - xã Vĩnh Trung, TP. Móng Cái... Tuyến đường trục chính số 2 nối Khu công nghiệp Texhong với trung tâm thị trấn Quảng Hà cùng Tuyến đường trục chính thứ hai Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà cũng đang được triển khai.
Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040, khu kinh tế này được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc bộ, của Vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ và Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc); là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Hệ thống giao thông của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã được kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải là đường bộ, đường thuỷ nội địa và đường biển, rất thuận tiện cho lưu thông hàng hóa, hành khách trong và ngoài Khu kinh tế, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc.
Đường bộ có Quốc lộ 18, 18B, 18C, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường tỉnh 335 và hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã, bến xe... Đường thủy có hệ thống luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và hệ thống các cảng, bến. Trong năm 2021, Quảng Ninh đã khởi công xây dựng Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn I do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Đường hàng không thì kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thông qua cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
“Trong thời gian tới, TP. Móng Cái sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hạ tầng kết nối với cao tốc như hạ tầng càng biển, hệ thống đường giao thông, hệ thống hạ tầng đô thị để phục vụ mục tiêu đến năm 2030, Móng Cái sẽ là đô thị loại I”, ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái cho biết.
Sức hút ngày càng lớn
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 110 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 223,94 triệu USD và 94 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 30.119 tỷ đồng.
Trong các nhà đầu tư lớn trong nước, Vingroup là chủ đầu tư 3 dự án, gồm: Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và nhà ở liền kề tại khu 3, phường Trần Phú đã được hoàn thành; 2 dự án đang triển khai là Dự án Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistics phía Nam sông Lục Lầm, phường Hải Hòa và Dự án Khu đô thị hai bên đường dẫn cầu Bắc Luân II, phường Hải Hòa.
Bên cạnh đó, Sun Group đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu đô thị kết nối cầu Bắc Luân I và cầu Bắc Luân II. Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group đang nghiên cứu Dự án Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Hải Hà, Dự án Khu giáo dục quốc tế chất lượng cao, Khu du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng tại đảo Cái Chiên...
Một số nhà đầu tư khác đang đề xuất thực hiện một số sự án có quy mô lớn như: Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế (tổng mức đầu tư 2.037 tỷ đồng); Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa (tổng mức đầu tư 2.422,5 tỷ đồng)...
Tận dụng ưu thế là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, gắn với khu thương mại dịch vụ tại phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng của giai đoạn I với các hạng mục như: Khu cách ly, kiểm dịch, xử lý y tế; Khu vực kiểm tra, giám sát đối với phương tiện xuất nhập cảnh; Khu vực kho giữ hàng; Bãi đỗ xe cá nhân cho khách vào làm thủ tục xuất nhập cảnh... Giai đoạn II sẽ đầu tư các công trình hạ tầng dịch vụ, thương mại theo phương thức PPP. Toàn bộ Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026. Đây cũng là dự án đón đầu định hướng thành lập Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) của tỉnh Quảng Ninh”, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương cho biết.
Dự án trên được lãnh đạo TP. Móng Cái đánh giá là sẽ góp phần nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, công suất xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển du lịch, đảm bảo duy trì trật tự ổn định an ninh quốc phòng và kinh tế, khẳng định vị thế của một thành phố cửa khẩu quốc tế quan trọng của Quảng Ninh tại khu vực Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II. Tỉnh đang đề nghị các cơ quan Trung ương có thẩm quyền xem xét, thông qua Đề án thành lập Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) của tỉnh Quảng Ninh để mở ra cơ hội phát triển mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái theo đúng như kỳ vọng là một trong hai mũi đột phá của tỉnh Quảng Ninh.
Trung tâm công nghiệp quan trọng của Quảng Ninh
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển công nghiệp của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logictics gắn với cửa khẩu quốc tế, cảng biển và đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Trong tương lai, sẽ bố trí 7.000 - 7.500 ha đất công nghiệp gắn với Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, Khu công nghiệp Hải Yên mở rộng, Khu công nghiệp và dịch vụ logictics Vạn Ninh, Khu công nghiệp cộng nghệ cao Hải Hà mở rộng. Hình thành một số cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm nông, thủy hải sản tại địa phương và hỗ trợ nghề cá và các dịch vụ khác. Những khu vực phát triển công nghiệp được bố trí các khu vực dự trữ mở rộng kế cận để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Hiện nay, tại Khu công nghiệp Hải Yên quy mô 182,4 ha do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư hạ tầng, đã thu hút được 6 nhà đầu tư thứ cấp. Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (giai đoạn I) do Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Việt Nam làm chủ đầu tư có quy mô 660 ha, đã thu hút được 19 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, trong đó 11 dự án của Tập đoàn Texhong đầu tư.
Mục tiêu của Tập đoàn Texhong là xây dựng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà trở thành khu công nghiệp chuyên ngành về dệt may theo hướng khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn cho môi trường, để được hưởng các ưu đãi về thuế quan theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
“Chúng tôi đã thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp là đơn vị gia công, sản xuất cho thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Uniqlo (Nhật Bản). Trong tương lai, với sự hợp tác với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chúng tôi sẽ xây dựng kênh phân phối ngay trong nước để sản phẩm sản xuất ra sẽ được bán ngay tại thị trường nội địa”, ông Wu Xian Hong, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Texhong Việt Nam cho biết.
Với việc thu hút được nguồn lực đầu tư nhờ những ưu thế lớn của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, TP. Móng Cái, huyện Hải Hà đã đạt được sự tăng trưởng tốt về kinh tế - xã hội. Riêng TP. Móng Cái, trong 5 năm 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt bình quân 15,02%/năm; tổng thu ngân sách 5 năm đạt khoảng 10.533 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 5.372,6 tỷ đồng, bình quân 14,2%/năm; GRDP bình quân đầu người là 5.051 USD/người/năm.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra