Kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%
Năm 2021 có rất nhiều thách thức trong công tác quản lý giá cả thị trường, khi mà Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ đặt ra nhiệm vụ về công tác quản lý, điều hành giá phải bảo đảm hướng đến mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Người tiêu dùng Hà Nội mua sắm các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền.
Đến thời điểm hiện nay, với việc CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84%-mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016-có thể nói công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), năm 2021, trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, mặt bằng giá cả vẫn được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung. Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công.
Đóng góp vào kết quả này, không thể không thấy sự nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Giá (sửa đổi) với nhiều chính sách sẽ được đổi mới. Theo đó, Luật Giá sẽ được sửa đổi theo hướng tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành giá, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương; hoàn thiện các chính sách bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá; tôn trọng quy luật cung-cầu, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo hướng phân cấp cho Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ. Chính sách về bình ổn giá cần khắc phục được những hạn chế hiện nay, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.
Với những yêu cầu đặt ra như vậy, rõ ràng, trong quá trình điều hành quản lý giá trong thời kỳ mới, cần phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về giá, hướng dẫn, ban hành phương pháp định giá, xử lý được những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quản lý giá chuyên ngành của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính khả thi. Để thiết thực giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá, Bộ Tài chính cần ban hành phương pháp định giá chung bảo đảm áp dụng chung; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng phương pháp định giá chung có tính chất chuyên ngành trên cơ sở đề xuất từ các bộ, ngành; các bộ, ngành chủ trì xây dựng các phương pháp định giá có tính đặc thù cần phải có phương pháp chuyên ngành riêng. Đối với các chính sách về thẩm định giá nhà nước, quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, Bộ Tài chính cũng xác định cần phải có đủ chế tài để ngăn chặn, xử lý được tình trạng thông đồng trong thẩm định giá, quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí tài sản nhà nước trong thẩm định giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi.
Riêng về quản lý giá vật tư, thiết bị y tế chống dịch, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, các mặt hàng chống dịch đều không nằm trong danh mục quản lý giá nhà nước mà do bộ chuyên ngành (Bộ Y tế) quản lý. Sắp tới, bắt đầu từ 1/1/2022, các mặt hàng này sẽ được Bộ Y tế đưa vào danh mục Nhà nước quản lý giá và Bộ Y tế vẫn là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý giá trong lĩnh vực này.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024