Kiến tạo động lực cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững
Theo TS Nguyễn Dũng Anh, Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công (Học viện Chính trị khu vực III), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường.
Diễn đàn góp phần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.
TS Nguyễn Dũng Anh, Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị khu vực III.
Tự lực tự cường, cải thiện năng lực quản trị quốc gia
Trong đó, ấn tượng nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm… Qua đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030; triển khai các nghị quyết của Quốc hội; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật…
Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công cho rằng: Đại dịch Covid-19 làm kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất kinh doanh đình trệ, lao động mất việc làm, doanh nghiệp phá sản, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn, theo đó các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc, vì thế cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới và tầm nhìn mới về phục hồi và phát triển bền vững. Đồng thời, sẽ là cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và phát triển.
Do đó, chúng ta phải tự lực tự cường ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp; phải lạc quan, tự tin vào chính mình, dân tộc mình, tự tin với khả năng “biến nguy thành cơ”, tìm kiếm cơ hội trong thách thức, khó khăn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thông điệp rất nhất quán, thống nhất và quan trọng là “chúng ta phải đồng hành với nhau”; “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, và khẳng định: “Chúng ta muốn đi xa trong điều kiện đường sá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức lớn như hiện nay thì càng phải sát cánh, đoàn kết bên nhau, không chỉ ở trong nước mà cần tăng cường hợp tác đoàn kết quốc tế, khu vực”.
Muốn đạt được điều đó, Quốc hội, Chính phủ cần có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… nhằm đủ sức tham gia các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch Covid-19.
Kết nối và chia sẻ để hội nhập, thích ứng
TS Nguyễn Dũng Anh phân tích thêm: Trong thế giới phẳng ngày nay, đang có sự thay đổi nhanh chóng, khó lường thì tư duy, cách tiếp cận cũng phải thay đổi nhanh mới theo kịp xu thế của thời đại. Quốc gia nào kịp thời phát hiện cơ hội, biết chủ động tạo ra cơ hội và nắm lấy, tận dụng nó một cách hiệu quả thì quốc gia đó thành công. Kết nối và chia sẻ là hai điều quan trọng để hội nhập, thích ứng và phát triển.
Người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Do đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, hướng tới hạnh phúc của người dân. Ông nhắc lại lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô, mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, pháp luật thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được...
Vấn đề nữa là xây dựng nền quản trị hiện đại, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân. Đổi mới tư duy quản lý, quản trị quốc gia từ kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Cần từng bước hình thành khung pháp lý mới, phù hợp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển.
Trong quản lý, điều hành những gì vướng mắc về mặt quy định của văn bản quy phạm pháp luật, được phép xử lý linh hoạt, năng động vì lợi ích chung, hoặc là có cơ chế thử nghiệm. Có cơ chế tạo ra động lực của bộ máy và cán bộ vì công việc chung, tạo khát vọng cống hiến. Đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới Chính phủ số. Đề cao trách nhiệm cá nhân, giải trình, minh bạch để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Nội dung quan trọng khác là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số. Theo đó, cần có tư duy mới và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vấn đề được rất nhiều nhà quản lý, đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển, đường lên Tây Nguyên, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cảng biển, cảng hàng không tầm quốc gia, quốc tế, hạ tầng số…).
Nhất trí với nội dung kết luận của Chủ tịch Quốc hội và các tham luận sâu sắc của các diễn giả trong nước và quốc tế, TS Nguyễn Dũng Anh cho rằng, cần “phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và “bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế” gắn với bảo vệ môi trường.
Việt Nam đang được đánh giá là ở thời điểm rất quan trọng để hoàn thành “mục tiêu kép”, chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, nếu không “biến nguy thành cơ” sẽ không vượt qua chính mình và sa vào bẫy “thu nhập trung bình” mà một số quốc gia đã gặp phải.
“Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” do cơ quan của Quốc hội chủ trì tổ chức và Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sẽ góp phần cung cấp các cứ liệu khoa học và thực tiễn để Việt Nam đạt được mục tiêu Đại hội XIII đề ra” - TS Nguyễn Dũng Anh nhấn mạnh.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra