Tin tức đầu tư


KINH TẾ QUẢNG NINH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

15/04/2022

Hơn 10 năm kiên trì thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nền kinh tế; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; lấy Đảng bộ và chính quyền làm vai trò kiến tạo, lấy người dân làm chủ thể, doanh nghiệp làm động lực, đã cho Quảng Ninh quả ngọt của đổi mới và đột phá.

GIAI ĐOẠN 2010-2015

Kinh tế tăng trưởng ấn tượng

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2015 là 7,6%/năm, ở mức cao so với bình quân chung cả nước (cả nước là 5,82%).

Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2015 đạt 3.900 USD, gấp 1,76 lần so với năm 2010 và gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước (2.200 USD)

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Tổng thu giai đoạn 2011 - 2015 đạt 161.486 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010. Trong đó, thu nội địa tăng bình quân 15,3%/năm.

 

Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm.

Quảng Ninh chú trọng chuyển đổi theo hướng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao và phát triển bền vững như du lịch, dịch vụ thương mại, logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

Sản xuất công nghiệp duy trì hợp lý các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như than, điện, xi măng, vật liệu xây dựng, sửa chữa tàu biển... theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ

Tỉnh ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp văn hóa, giải trí; tập trung thu hút đầu tư gắn với cơ chế chính sách nhằm phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch, trong đó xây dựng một số khu chuyên sâu. Thu hút về công nghệ, nguồn lực và đầu tư, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 là 7,3%/năm; trong đó giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện. Tỷ trọng ngành khai khoáng trong tổng giá trị sản phẩm năm 2010 là 38,2% giảm xuống còn 25% năm 2015; tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất điện năm 2010 là 15,1% tăng lên 28,7% năm 2015.

Quảng Ninh trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước; chiếm 16% tổng sản lượng điện cả nước; sản xuất xi măng chiếm khoảng 10% tổng công suất cả nước.

Công nghiệp đóng tàu đóng góp nhiều sản phẩm quan trọng như các tàu trọng tải lớn, tàu cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển...

Thu hút các tập đoàn lớn vào nghiên cứu, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao tại KCN Việt Hưng (Hạ Long), KCN đô thị thông minh AMATA (Quảng Yên), KCN y dược công nghệ cao tại KKT Vân Đồn, KCN cảng biển Hải Hà...

Nguồn: Sưu tầm