Kinh tế Việt Nam được đánh giá 'phục hồi ấn tượng' trong năm 2022
Tại cuộc trao đổi diễn ra ngày 27/10, chuyên gia kinh tế trưởng của Văn phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường, đánh giá sự phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng tính từ đầu năm rất ấn tượng và ADB tin tưởng triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam rất sáng sủa.
Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN
Sự phục hồi mạnh mẽ này dựa trên nhiều yếu tố như nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, ổn định chính trị cũng như thành công trong việc khống chế dịch bệnh đã tạo nền tảng phát triển cho nền kinh tế. Sự phục hồi này tương đối đồng đều ở tất cả các động cơ tăng trưởng, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, trong khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước và của người dân vào sự phục hồi rất mạnh đã tạo chỗ dựa cho nền kinh tế.
Về rủi ro, rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam là tác động của yếu tố bên ngoài càng ngày càng rõ nét. Lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phát triển, buộc các nước này phải lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế hay kiềm chế lạm phát. Các nước này phải đi đến lựa chọn khắc nghiệt là dành ưu tiên cho kiểm soát lạm phát trước ổn định hệ thống tài chính. Việc các nước phát triển nâng lãi suất để chống lạm phát đã tác động mạnh đến tăng trưởng, từ đó tác động dây chuyền đến các thị trường vốn, tiền tệ và đến các nền kinh tế đang phát triển.
Việc các nền kinh tế phát triển tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ tác động ngay đến châu Á, gây ra tình trạng lạm phát nhập khẩu, với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng, kết hợp với tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tác động của việc lạm phát nhập khẩu, tăng giá lương thực, giá xăng dầu được khống chế tốt hơn, nên mức lạm phát thấp hơn, nhưng nhìn chung lạm phát có xu hướng tăng và rủi ro lạm phát nhập khẩu rất mạnh.
Một trong những tác động nữa là đến tỷ giá. Một loạt các đồng nội tệ mất giá rất mạnh. Tính đến tháng Tám, mức độ mất giá của đồng tiền Việt Nam tương đối thấp. Điều này một mặt hỗ trợ Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng mặt khác lại ngày càng gây trở ngại, khi gây sức ép ngày càng lớn đến dự trữ ngoại hối. Về xuất khẩu, đồng tiền Việt Nam tương đối ít mất giá so với đồng USD nhưng lại tăng so với đồng tiền của hầu hết các đối tác thương mại cạnh tranh thương mại trực tiếp với Việt Nam như Malaysia, Thái Lan, Philippines.
Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là hoàn toàn phù hợp, góp phần ổn định điều kiện vĩ mô cho tăng trưởng trung và dài hạn.
Về tác động đến xuất khẩu của các động thái trên, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng giá đồng tiền, tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp, trong khi việc nới rộng biên độ tỷ giá sẽ làm giảm giá đồng tiền, nhưng nhìn chung tỷ giá trần của đồng tiền Việt Nam giảm gần 3%. Đồng tiền Việt Nam có xu hướng trượt giá, điều sẽ hỗ trợ xuất khẩu, trong khi tác động đến nhập khẩu. Xu hướng trượt giá có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt thặng dư thương mại 8 tỷ USD vào giữa tháng 10.
Việt Nam cần linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp. Vấn đề là Việt Nam sẽ thiên về công cụ nào trong thời gian tới.
Trong khi Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và giải ngân đầu tư công là chỗ dựa cho tăng trưởng. Vấn đề của Việt Nam là dư địa của chính sách tài khóa cũng như dư địa thời gian cho chính sách tài khóa.
Việt Nam cần quản lý thị trường ngoại hối, ngân hàng, sau những bài học của cuộc khủng hoảng năm 2008-2010, tránh gây sức ép quá lớn lên chính sách tiền tệ.
Điều quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và người dân còn tăng. Các biện pháp của Việt Nam đang phát huy hiệu quả.
Về dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%, Giám đốc Quốc gia của ADB, ông Andrew Jefffries, cho biết ngân hàng này vẫn giữ mức dự báo này, dù tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam thường có xu hướng cao hơn, do có những rủi ro ngày càng tăng trên phương diện toàn cầu và có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
ADB vẫn giữ nguyên dự báo cho năm 2023 ở mức 6,7%, khi cân nhắc đến các rủi ro đã nhấn mạnh như suy thoái kinh tế ở các khu vực trên thế giới có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Có những dấu hiệu cho thấy tình trạng đơn đặt hàng cho tương lai đã có xu hướng chậm lại ở một số khu vực, một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm để khẳng định sẽ có một đợt suy thoái nghiêm trọng và kéo dài trong thời gian tới.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị chuyên đề toàn quốc “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
- Tỉnh Quảng Ninh tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư năm 2024
- Sớm xây dựng cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B
- Doanh nghiệp ngành logistics trước áp lực “xanh hóa”
- Năm 2024 phải là năm bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công
- Doanh nghiệp ngoại tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
- Hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp - Động lực thu hút đầu tư
- Thu hút vốn FDI vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ: Làm sao hiệu quả?
- Áp lực giải ngân đầu tư công ngành giao thông
- Bình Liêu: Tập trung nâng cấp hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu