Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông
Ngày 28/7, trong khuôn khổ Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Dự lễ ký có các đồng chí: Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Phạm Xuân Thăng, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cùng lãnh đạo các ban, ngành trung ương và 4 địa phương, gần 300 đại biểu là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo VCCI và 4 địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên tham dự chương trình ký kết.
Ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái. Nhất là ngay sau khi Quảng Ninh hoàn thiện tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km. Điều này phù hợp với Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam với định hướng "tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”.
Sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, phát huy tối đa lợi thế của các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc.
Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Nếu trong lịch sử xa xưa, dòng sông luôn là trục phát triển và kết nối các trung tâm kinh tế, văn hoá của con người, thì ngày nay các con đường cao tốc đóng vai trò như dòng sông khi xưa tạo ra và kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị mới, do đó trục cao tốc phía Đông chính là tiền đề cho sự kết nối kinh tế 4 tỉnh, thành. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ tạo nên một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, có nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư có chất lượng, từ đó tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Từ ý tưởng ban đầu, trải qua nhiều hoạt động tham vấn và xây dựng đề án, ngày hôm nay, 4 địa phương gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên cùng VCCI sẽ ký một Thỏa thuận kết nối chính thức để làm tiền đề cho những hoạt động thực chất và hiệu quả giữa 4 địa phương thời gian tới. Từ đó, chung sức giải quyết các thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự thịnh vượng chung, đồng thời hình thành vành đai kinh tế Đông Bắc Bộ, cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị.
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết vùng, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Mục tiêu của sáng kiến kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông không chỉ thúc đẩy liên kết kinh tế giữa 4 tỉnh, thành phố, những địa phương đang là những cực tăng trưởng nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông, mà còn hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương gắn với các địa phương khác trong vùng sẽ tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước, nhất là trên các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; giáo dục và đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành, phát triển các dịch vụ và chuỗi sản phẩm du lịch...
Quang cảnh diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lưu ý, cần tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về kinh tế - xã hội của từng tỉnh, thành phố để tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển kinh tế tổng hợp, toàn diện, hiện đại với độ mở cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đóng góp vào quá trình này, Quảng Ninh luôn luôn chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông động lực chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới, khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển. Tỉnh đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc...
Đại biểu đại diện VCCI và 4 tỉnh, thành thảo luận phân tích những thế mạnh, cơ hội nổi trội của từng địa phương để đưa ra mục tiêu phát triển chung.
Trong chương trình lễ ký kết, các đại biểu dự họp đã tham gia diễn đàn, tập trung thảo luận, phân tích những thế mạnh, cơ hội nổi trội của từng địa phương để đưa ra mục tiêu phát triển chung. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất, liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần thủ đô Hà Nội, 5 lần thành phố Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng... Bốn địa phương có lợi thế lớn về kết nối về hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, có trục cao tốc phía Đông nối một đầu là thủ đô Hà Nội, một đầu là cửa khẩu Móng Cái thông với thị trường Trung Quốc khổng lồ. Các doanh nghiệp trong vùng có thể sử dụng 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế.
Tham gia liên kết kinh tế, mỗi địa phương đều có các thế mạnh riêng để phát huy, khai thác, cụ thể như: Quảng Ninh với thế mạnh về tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất – thương mại gắn với thị trường Trung Quốc; Hải Phòng có lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics; Hải Dương có tiềm năng nổi trội về nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo; Hưng Yên có lợi thế đặc biệt do tiếp giáp thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.
Từ đó, thống nhất, ký kết thỏa thuận thành lập Hội hoạt động đồng kết nối vùng kết nối kinh tế 4 tỉnh, các bên tham gia liên kết cùng thống nhất giao VCCI giữ vai trò thường trực công tác điều phối, Ban thư ký của vùng sẽ đặt tại VCCI. VCCI sẽ phát huy đội ngũ chuyên gia và các thế mạnh của VCCI trong kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, các ngành và các đối tác quốc tế để cùng 4 tỉnh, thành tạo ra một mô hình kết nối kinh tế vùng thành công, với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của cả 4 địa phương. Một chủ thể rất quan trọng của kết nối kinh tế là các doanh nghiệp, nên trong khuôn khổ Sáng kiến, VCCI sẽ hỗ trợ thành lập và triển khai hoạt động Hội đồng doanh nghiệp vùng.
Trước mắt, trong năm 2022 và 2023, các hoạt động chính sẽ tập trung vào liên kết, hợp tác trong một số lĩnh vực như: Xúc tiến thương mại, đầu tư; Giao thông và logistics; Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất; Phát triển du lịch, dịch vụ; Nông nghiệp công nghệ cao và chế biến nông sản; Cải thiện môi trường kinh doanh; Chuyển đổi số và kết nối số... Ưu tiên các hoạt động cụ thể, đem lại hiệu quả thiết thực, bắt đầu từ các việc đơn giản, dễ thống nhất, phối hợp, rồi mới mở rộng tới các hoạt động phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp có chiều sâu về chính sách và cơ chế hợp tác.
Lãnh đạo VCCI và 4 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.
Các bên cũng thống nhất một số mục tiêu cụ thể như: các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, của 4 địa phương cao hơn mức bình quân của cả nước, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước; tiếp tục cải thiện, giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường kinh doanh thuận lợi; Kết nối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của 4 địa phương, mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng; Liên kết và hình thành cơ sở dữ liệu chung về hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, chuỗi sản xuất và cung ứng của bốn địa phương; Hình thành cơ chế liên kết cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư của 4 địa phương, cùng hợp tác, đóng góp vào sự phát triển của 4 địa phương. Kết nối, phát triển cộng đồng doanh nghiệp đạt trên 100 nghìn doanh nghiệp vào năm 2025.
Việc tổ chức ký kết thoả thuận kết nối kinh tế nhân sự kiện ABAC III sẽ là cơ hội lan toả thông tin về việc hình thành kết nối kinh tế 4 địa phương đến cộng đồng doanh nghiệp APEC. Từ đó, quảng bá, giới thiệu những lợi thế, tiềm năng nổi trội, môi trường đầu tư kinh doanh, các quy hoạch chiến lược theo hướng tăng trưởng xanh, lợi thế vượt trội về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông, tổng thể, những nỗ lực trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… góp phần quan trọng để thúc đẩy, thu hút dòng vốn FDI từ các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đầu tư vào 4 tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam