KỲ THƯỢNG TRONG LÒNG THÀNH PHỐ HẠ LONG
Xã Kỳ Thượng, cách trung tâm thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khoảng 60 km. Nơi này có khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn có diện tích lớn, giá trị đa dạng sinh học cao, có tiềm năng về du lịch bậc nhất trong các khu rừng khu vực phía Đông Bắc Việt Nam. Các giá trị văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc ở Kỳ Thượng cũng có thể trở thành những sản phẩm du lịch ấn tượng, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Hạ Long.
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn ở xã Kỳ Thượng có diện tích hơn 15.600 ha. Theo lộ trình, năm 2021 khu bảo tồn này phát triển đạt gần 20.000ha, lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam. Đồng Sơn có hệ động, thực vật phong phú, bao gồm 1.163 loài thân gỗ và thân thảo, 224 loài động vật thuộc 4 lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư, trong đó 51 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 1 loài ghi Sách đỏ thế giới. Đặc biệt tại Đồng Sơn còn sở hữu 2 loại động vật đặc hữu quý hiếm là thằn lằn cá sấu và cá lóc Việt Nam. Việc đi bộ hay xe đạp trong lòng rừng, khám phá, nghiên cứu cây cỏ, muông thú thiên nhiên, tận hưởng không gian khoáng đạt, không khí trong lành, hoà mình vào đất trời... thực sự rất thú vị và hấp dẫn.
Khi nói về khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn, anh Bàn Văn Vi, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, say sưa kể cho khách nghe về những cây gỗ dổi, lim, dẻ… vài người ôm, những vạt măng trúc xum xuê, về những đỉnh núi cao, trong đó có đỉnh Thiên Sơn hơn 1000m, từ đó có thể phóng tầm mắt xa tận trung tâm Hạ Long, Cẩm Phả. Theo anh, những cánh rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn có giá trị đa dạng sinh học lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt, thực sự là "kho báu" của người Dao ở đây từ bao đời. Với những người trẻ như anh, rừng không chỉ là kế sinh nhai, mang lại môi trường sống trong lành, mát mẻ mà còn đang mở ra những cơ hội mới.
Dẫn khách đến tận ngôi nhà sàn lớn đang hoàn thiện, anh khoe ngôi nhà là Dự án phát triển du lịch cộng đồng của thanh niên trong xã. Họ đang xây dựng nhà cộng đồng để trưng bày văn hóa người Dao, quần áo truyền thống, dụng cụ lao động, giới thiệu các phong tục Tết, lễ cấp sắc; phối hợp với các đơn vị du lịch lên phương án đưa khách từ Hạ Long lên tham quan, trải nghiệm đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh, ngắm suối, tắm lá thuốc người Dao…
Rời bản làng Kỳ Thượng về trung tâm thành phố Hạ Long, con đường uốn lượn quanh hàng thông xanh, vạt sau vạt trước đổ màu lá đỏ trong bảng lảng sương mù khiến khách lữ hành ngây ngất. Kỳ Thượng khuất dần trong tán rừng già, nhưng tới đây khi rẻo cao gần hơn với phố thị, sẽ có thêm những đoàn khách du lịch đến đây, rộn ràng khám phá và trải nghiệm một Kỳ Thượng thật độc đáo và khác biệt trong lòng thành phố Hạ Long.
Nguồn: Sưu tầm
Bài viết cùng chuyên mục
- Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
- Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân
- Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- UBND tỉnh nghe ý tưởng đầu tư tổ hợp kinh tế tuần hoàn năng lượng xanh GH2
- Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác với đối tác Bỉ vì tương lai xanh và bền vững
- Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh thăm, làm việc tại Vương quốc Bỉ
- Diễn đàn hợp tác đầu tư thương mại du lịch Quảng Ninh – Nhật Bản 2025
- Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tại Osaka Nhật Bản
- Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka Nhật Bản
- Khai mạc Tuần lễ Quảng Ninh EXPO 2025 tại Nhật Bản