Kỳ vọng tăng trưởng nền kinh tế số
Trong khi thương mại toàn cầu vẫn chưa phục hồi rõ nét, nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế số Việt Nam sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Theo báo cáo mới đây của E-conomy SEA (đơn vị cung cấp thông tin về nền kinh tế Internet Đông Nam Á của Google, Temasek và Bain Company), dự báo quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỉ USD vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử sẽ là lĩnh vực có đóng góp quan trọng nhất. Cũng theo báo cáo này, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đã tăng trưởng 28% (đạt 23 tỉ USD) trong năm 2022.
Với các kết quả thực tế, PGS Phạm Công Hiệp (trường Đại học RMIT) nhìn nhận, thương mại điện tử đang là một trong những động lực của nền kinh tế số Việt Nam, việc phát triển bền vững ngành này đang trở thành một yêu cầu tất yếu sau giai đoạn dịch COVID-19 đầy biến động. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tập trung xây dựng mạng lưới kinh tế số và đưa vào thực tiễn các chiến lược phát triển bền vững.
Tương tự, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - cho biết, trong thời gian qua, trung tâm đã ký kết thoả thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp để xây dựng nền tảng nhân lực số, phục vụ cho nền kinh tế số.
Ông Huy tin tưởng, nền tảng nhân lực số sẽ là động lực đem lại những kiến thức tổng quan về thị trường việc làm, các nhà tuyển dụng từ đó cũng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả, phù hợp với thị trường lao động trong nền kinh tế số.
Đề cập đến nội dung này, bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam - cũng nhấn mạnh, để phát triển bền vững kinh tế số, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có những hành động cụ thể. Song cũng theo bà Vũ Thị Minh Tú, chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế số tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, trong khi đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bền vững đối với kinh tế số.
Trong khi kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được tạo điều kiện phát triển, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho thấy, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn trên 15,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2023.
GS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, mảng đầu tư vào kinh tế số tại Việt Nam còn rất lớn, đây là thời cơ đầu tư vào kinh tế số, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới, từ đó bứt phá vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong khi cầu nội địa tăng trưởng thấp, kim ngạch xuất khẩu suy giảm liên tục, đây là thời cơ để doanh nghiệp đầu tư vào kinh tế số, chuyển đổi từ hoạt động truyền thống sang sản xuất, kinh doanh số.
Quyết định 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số...
Theo laodong.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam