Tin tức đầu tư


Kỳ vọng tăng trưởng từ cảng biển

02/02/2023

Chỉ tính riêng trong 7 ngày đầu năm Quý Mão 2023, các cảng của Quảng Ninh đã đón nhận gần 260 lượt tàu biển, vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa. Những chuyến tàu tấp nập vào ra, xuất nhập những mã hàng mới và đưa khách quốc tế đến Quảng Ninh ngay trong dịp nghỉ Tết hứa hẹn kinh tế cảng biển một năm nhiều khởi sắc.

Tàu Silver Spirit đưa khách du lịch quốc tế đến Hạ Long trong mùng 1 Tết Nguyên đán 2023.

Năm 2022, năm đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) từ các doanh nghiệp phục hồi chậm, đã khiến hoạt động cảng biển trên địa bàn tỉnh kém sôi động, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng chỉ đạt gần 90% kế hoạch. Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, mức độ tăng trưởng chậm của hàng hóa năm 2022 do nhiều yếu tố, trong đó có chính sách "Zero Covid" của thị trường Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh giảm; ngành công nghiệp chế biến - chế tạo gặp nhiều khó khăn về thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn tới lượng hàng hóa XNK kém. Năm 2023, thị trường Trung Quốc được kết nối trở lại, Quảng Ninh được nhiều nhà đầu tư quan tâm, triển khai kế hoạch đầu tư mới, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến - chế tạo với nhu cầu nhập khẩu thiết bị, hàng hóa lớn, điều này hứa hẹn một năm đầy sôi động của cảng biển Quảng Ninh.

Theo thống kê từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 22 đến 28/1), các cảng biển của Quảng Ninh đón 425 lượt tàu, trong đó có 259 lượt tàu biển, thực hiện vận chuyển trên 1 triệu tấn hàng hóa các loại. Riêng hoạt động tàu khách, ngay trong mùng 1 Tết Quý Mão (tức 22/1), tàu Silver Spirit đã đưa 500 du khách quốc tế chủ yếu mang quốc tịch Mỹ và châu Âu đến "xông đất" Quảng Ninh tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đây là tín hiệu tốt, có dấu ấn vô cùng quan trọng với ngành Du lịch Quảng Ninh khi hoạt động du lịch tàu biển được phục hồi.

Cảng Cái Lân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023.

Trong chiến lược phát triển, kinh tế biển được Quảng Ninh xác định là động lực, trụ cột tăng trưởng khi tỉnh sở hữu ưu thế cạnh tranh nổi trội với 250km đường biển, cảng nước sâu, cảng tàu khách chuyên biệt, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi… Thời gian qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên phát triển hạ tầng cảng biển và đẩy mạnh các giải pháp nhằm thu hút nguồn hàng, tạo điều kiện để các hãng tàu tiếp cận với cảng biển Quảng Ninh.

Tuy nhiên, do tác động khách quan từ dịch bệnh và bối cảnh quốc tế, việc khai thác lợi thế cảng biển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng đang có. Để kinh tế biển tăng tốc trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, hiện tỉnh đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, tối ưu hóa cầu bến, hỗ trợ cho các hoạt động cảng từ vùng neo. Đồng thời, chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, áp dụng phần mềm, tăng năng suất khai thác và chất lượng dịch vụ; nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ hàng. Các đơn vị quản lý nhà nước, thực thi công vụ không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm đem lại tiện ích, thuận lợi nhất cho khách hàng với quyết tâm đơn giản hóa và rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục.

Song song với đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics nói chung và logistics trong cảng biển nói riêng, dự kiến tháng 2/2023, tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về nội dung này. Trong đó, sẽ có nhiều ý kiến tham góp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chủ hàng, hãng tàu nhận định, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm thỏa mãn, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Ninh.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Lân trong ngày mùng 4 Tết Nguyên đán 2023.

Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông đa dạng và tốt nhất miền Bắc, các trục đường chính như: Cao tốc dọc tỉnh, hệ thống đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh, đường 10 làn xe Quảng Yên - Đông Triều… đang nối liền các KCN, KKT và các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các giải pháp vận tải kết hợp, nhằm tiết kiệm cước vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng, tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa... đóng góp quan trọng để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Những chuyến tàu không nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua và sự chủ động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đã phần nào khẳng định hệ thống cảng biển của tỉnh đang sẵn sàng bứt phá. Đây là nền tảng, là động lực quan trọng, hứa hẹn một năm sôi động của cảng biển Quảng Ninh.

baoquangninh.com