"Lãng phí niềm tin", "lãng phí trách nhiệm" tàn phá ghê gớm, không đo đếm được
Đằng sau những lãng phí hữu hình, có thể đo đếm là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Đó là lãng phí niềm tin, lãng phí trách nhiệm, gây nên những hệ lụy khôn lường không đo đếm được. Nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia.
Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Lãng phí hữu hình chỉ là "bề nổi của những tảng băng"
Tại phiên thảo luận về chuyên đề giám sát tối cao ngày 31/10, các đại biểu Quốc hội kiến nghị xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là lãng phí niềm tin và trách nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) bày tỏ đồng tình với nội dung đánh giá chung trong báo cáo của đoàn giám sát cũng là của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát: "Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại hạn chế, trong một số trường hợp thất thoát lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng làm mất cơ hội phát triển".
Theo đại biểu, báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan và kèm theo đó là những con số, những đúc kết mà "bất cứ ai đọc tới cũng khó có thể làm ngơ".
Tuy nhiên, đó chỉ là "bề nổi của những tảng băng", mới chỉ là một phần của những lãng phí hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy được, chỉ ra được, đo đếm được. Nhưng chỉ như vậy đã thấy rất lớn, rất nghiêm trọng.
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia.
"Lãng phí niềm tin", "lãng phí trách nhiệm" gây hệ lụy khôn lường
Nêu rõ một trong những lãng phí như vậy đã được một số đại biểu Quốc hội nêu lên trong Kỳ họp thứ 3 nhận được nhiều sự đồng tình là "lãng phí niềm tin", đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, còn một sự lãng phí khác đó là "lãng phí trách nhiệm".
Đại biểu dẫn chứng, trong hai ngày thảo luận kinh tế - xã hội đã nghe rất nhiều những bệnh viện đầu ngành xin thôi tự chủ khiến cho một chủ trương quan trọng trong đổi mới hoạt động của bệnh viện công lập cũng là đổi mới ngành y tế có thể không thực hiện đúng lộ trình.
Bên cạnh đó là việc không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện công đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc khám chữa bệnh cho hàng triệu người dân.
Không ít cán bộ công chức viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm đang gây trì trệ nhiều công việc lớn nhỏ trong bộ máy quản lý hành chính, khiến lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
"Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động; không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm. Chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những hệ lụy khôn lường không đo đếm được cho xã hội và đất nước", đại biểu Trần Hữu Hậu nêu quan điểm.
Cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt để không bị "lãng phí trách nhiệm", "lãng phí niềm tin"
Chia sẻ quan điểm về "lãng phí trách nhiệm", "lãng phí niềm tin", với mong muốn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả tích cực hơn, đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, một quy luật của sự phát triển là khi sự tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy đó.
Vì vậy, để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở xử lý những người trực tiếp gây ra mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành.
Theo đại biểu, thất thoát, lãng phí trách nhiệm tăng, trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan đơn vị và cán bộ công chức, viên chức.
Qua đó, đại biểu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo sự lãng phí này và có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để không bị "lãng phí trách nhiệm", "lãng phí niềm tin" - những tài sản tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước./.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đoàn đại biểu tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc thăm và làm việc tại Quảng Ninh
- Đoàn công tác tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khảo sát Vịnh Hạ Long
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xã giao Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ
- Móng Cái: Nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại
- Thủ tướng là Trưởng BCĐ xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
- Thủ tướng tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto
- Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển tích cực
- Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Lào
- Tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia