Lộ diện những 'ngôi sao' sáng nhất Việt Nam về thu hút vốn FDI
Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp theo lần lượt là TPHCM, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội. Trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với 3,1 tỷ USD.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, rót vốn vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
TPHCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
"Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Xét theo đối tác đầu tư, trong 11 tháng đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 4 với 3,96 tỷ USD, và vị trí thứ 5 là Nhật Bản, 3,1 tỷ USD.
Với sự nỗ lực chung của hai quốc gia, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới đến nay luôn giữ vững trong nhóm các quốc gia dẫn đầu. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư còn hiệu lực luỹ kế đến cuối năm 2022 là gần 69,2 tỷ USD, xếp thứ ba sau Hàn Quốc và Singapore.
Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình “Inno Vietnam - Japan Fast Track Pitch 2023” , Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Nishimura Yasutoshi đã tiến hành tọa đàm song phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa phía Nhật Bản và đề nghị Nhật Bản tiếp tục nghiên cứu hợp tác đầu tư và Việt Nam, tập trung vào những ngành trọng tâm như: Chip bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy thông minh, chuyển đổi số, cùng với đó là đầu tư cho trung tâm tài chính quốc tế",
Ông Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, năm 2023 là dấu mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản. Trong 50 năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã mở rộng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Thành viên của Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã tăng lên con số 2.000 và các doanh nghiệp bao gồm rất nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau từ sản xuất điện, điện tử, ô tô cho tới bán lẻ, công nghệ thông tin và năng lượng.
Theo ông Nishimura Yasutoshi, trước những thành quả đó, Nhật Bản sẽ cam kết hỗ trợ một số dự án đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhất là 2 lĩnh vực chuyển đổi số và phát triển xanh. “Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng dành cho các quốc gia đang phát triển. ASEAN và Nhật Bản, trong đó có Việt Nam đều chung tay để phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững”, ông Nishimura Yasutoshi cho biết .
Theo tienphong.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hồng Kông vào tỉnh Quảng Ninh
- Phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI
- Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài
- Gỡ các điểm nghẽn, thu hút FDI vào ngành dược
- Tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài
- Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam
- Làm cách nào Việt Nam có thêm 40 tỉ USD năm tới?
- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Hải Hà
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố