Mã số vùng trồng: Giải pháp xây dựng lòng tin cho nông sản
Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng được hiểu là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản... Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khuyến khích các địa phương đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là "tấm vé thông hành” cho xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí tiêu thụ vải chín sớm. Hiện Quảng Ninh có 14 vùng trồng trọt và 5 cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này. Bao gồm 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 5 cơ sở đóng gói nhãn, vải, thanh long, măng cụt, chôm, xoài, chuối, mít, dưa hấu, phục vụ xuất khẩu tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Móng Cái. Đây được cho là một tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân của tỉnh, bởi lẽ, quả thanh long và quả vải đều là những loại quả được thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng nhưng lại có thời gian thu hoạch rất ngắn (25-35 ngày), sản lượng lớn nên nếu không được tiêu thụ kịp thời, sẽ khiến cho giá thành bị sụt giảm. Ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật. Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm. Là một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, những năm gần đây, sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, TP Uông Bí ngày càng khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường quốc tế. Tại phường Phương Nam hiện có gần 400ha, trồng vải chín sớm, với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. TP Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP và cấp mã số vùng trồng trên địa bàn. Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm với khoảng 1.000 hộ tham gia, tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường. |
Trước những yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quản lý chất lượng nông sản, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị UBND các địa phương trọng điểm sản xuất cây ăn quả chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng các mã số vùng trồng (vải, nhãn, thanh long) đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp để xuất khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp, chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý. Định kỳ 6 tháng/lần, các vùng trồng được cấp mã gửi kết quả thực hiện công tác giám sát chất lượng về Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo Bộ NN&PTNT theo quy định.
Bài viết cùng chuyên mục
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330