Nấc thang mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
Kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, thương mại hai nước đã đạt được những kết quả hết sức tích cực và giữ tốc độ tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng quan hệ hai nước vẫn phát triển mạnh.
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22-25/11/2021. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ sau khi đảm nhận cương vị và Nhật Bản có lãnh đạo mới sẽ tạo nấc thang mới trong tăng trưởng kinh tế hai nước, hướng tới tiếp cận thị trường sâu và bền vững.
Sản xuất tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Nền tảng vững chắc
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai nước hiện đạt khoảng hơn 40 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản tương đối cân bằng và tốc độ tăng trưởng thương mại giữa hai bên cũng đều đặn trong giai đoạn vừa qua.
Trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 34,3 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Về xuất khẩu, kim ngạch của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 16,3 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng là đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) năm 2009; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) năm 2008; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) năm 2020.
Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các nội dung kinh tế, thương mại gồm: Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản; sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da...
Đáng lưu ý, trong nhu cầu tìm kiếm nguồn cung ổn định, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã quyết định đặt nhà máy hoặc mở rộng nhà máy hiện có tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang tích cực xúc tiến thiết lập kinh doanh ở Việt Nam.
Nhờ đó, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 4.765 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký gần 64 tỷ USD.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ hơn 4 tỷ JPY để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của Nhật Bản tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, nhằm tạo kênh trao đổi thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước.
Tại các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư đã được tổ chức, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn bày tỏ sự quan tâm với thị trường Việt Nam và mong muốn được đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về thị trường, tiềm năng sản xuất các sản phẩm như giày, kim loại…
Còn theo ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhật Bản cũng vừa nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa trở lại từ ngày 8/11/2021 và công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục, lên tới 490 tỷ USD. Dự báo, nhu cầu của thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao, tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Hướng tới bền vững
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn đạt kết quả khả quan nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có. Hơn nữa, đối với một số mặt hàng như nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức khi xuất khẩu vào những thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU.
Ngoài những khó khăn cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như: năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu. Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản đưa ra ví dụ cụ thể như việc nhập khẩu cà phê hạt tiêu vào thị trường này phải đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Luật Vệ sinh Thực phẩm. Đồng thời, phải đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với dư lượng thuốc trừ sâu theo danh mục các hóa chất nông nghiệp được cho phép sử dụng tại Nhật Bản.
Bởi theo ông Tạ Đức Minh, luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp vi phạm và không có sự chấn chỉnh kịp thời, hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu gia tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu từ quốc gia có vi phạm.
Ngoài ra, ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cần chú trọng đến kênh phân phối. Bởi, Nhật Bản có hệ thống phân phối phức tạp với nhiều tầng lớp trung gian, hàng cà phê, hạt tiêu Việt không dễ để có thể được bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng mà cần phải thông qua các đầu mối nhập khẩu lớn.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Tạ Đức Minh cho rằng, hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu đặt hàng sản xuất của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nhưng hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển; đầu tư trang thiết bị hiện đại, gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ cho sản phẩm.
Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, tiến tới trở thành đối tác liên doanh, liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Còn ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho hay, để thâm nhập sâu rộng và bền vững vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua rào cản tiêu chuẩn nhập khẩu rất cao của thị trường. Đồng thời, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại; xây dựng thương hiệu và thâm nhập kênh phân phối của Nhật Bản. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại dưới hình thức mới, đi sâu vào từng địa phương của Nhật Bản.
Nhân chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ cùng với Thống đốc tỉnh Wakayama ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại giữa Bộ Công Thương và Chính quyền nhân dân tỉnh Wakayama. Một trong các nội dung quan trọng của Bản ghi nhớ này là Wakayama sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tại Wakayama và vùng Kansai.
Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện tư vấn tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, trong đó có thị trường Nhật Bản. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện mà Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa phát động vào ngày 18/11/2021.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra