Nâng cao hiệu quả của DDCI
Được triển khai thí điểm từ năm 2015 và đưa vào chính thức từ năm 2016, đến nay, bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) đã được khẳng định là một trong những giải pháp quyết liệt, sáng tạo của tỉnh. Qua đó, nhằm tạo sự cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành trong tỉnh. Sự đổi mới liên tục trong cách tiếp cận doanh nghiệp đã giúp Quảng Ninh ngày càng nhận được thiện cảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.
Quảng Ninh đã mời chuyên gia VCCI tham vấn nhiều nội dung quan trọng trong triển khai DDCI tại Hội nghị công bố DDCI 2020, tháng 3/2021.
Bằng tinh thần cầu thị, Quảng Ninh đã không ngừng tìm kiếm, chủ động mở nhiều kênh tiếp thu ý kiến với cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở, thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, cơ quan sở, ngành với nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điển hình, như trong khảo sát DDCI giai đoạn 2016-2018, phiếu khảo sát tập trung vào chất lượng của bộ phận một cửa và thủ tục hành chính. Giai đoạn 2019-2020, bổ sung vấn đề tiếp cận đất đai và chất lượng cơ sở hạ tầng. Đến năm 2020, dưới ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khảo sát DDCI đối với 13 địa phương và 21 sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh được triển khai bằng hình thức trực tuyến trên platform chuyên dụng; bổ sung nhiệm vụ nắm bắt thực chất năng lực của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
DDCI Quảng Ninh 2020 cũng bổ sung đánh giá hiện tượng “đùn đẩy công việc giữa các sở, ban, ngành hoặc đùn đẩy công việc lên cấp có thẩm quyền cao hơn” vào phần Chi phí thời gian đối với khối sở, ban, ngành; điều chỉnh một số nội dung của các chỉ số thành phần để phản ánh tốt hơn các yêu cầu mới đặt ra với các sở, ban, ngành huyện, thị xã, thành phố trong bối cảnh tỉnh và doanh nghiệp cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19…
Sự đổi mới liên tục trong cách tiếp cận doanh nghiệp đã giúp Quảng Ninh ngày càng nhận được thiện cảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này, lý giải vì sao năm 2020 mặc dù là năm khó khăn đối với hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ hồi đáp của doanh nghiệp đối với bộ chỉ số DDCI của tỉnh lại đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 36,2%. So với các năm trước, tỷ lệ đồng ý với nhận định người lãnh đạo đã lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp tăng mạnh (các năm trước chỉ khoảng 80%, năm 2020 đạt 91%), tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cán bộ gây khó khăn để trục lợi đã giảm đáng kể (các năm trước là trên 20%, nhưng năm 2020 chỉ là 3,7%). Kết quả DDCI 2020 được đo lường dựa trên tổng hợp ý kiến của khoảng 6.500 đơn vị, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phần nào khẳng định được giá trị niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với các địa phương, sở, ngành và với tỉnh Quảng Ninh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai Dự án của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, tháng 12/2021. Ảnh: Thanh Tùng.
Đánh giá về hiệu quả của DDCI Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Trong số 54 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện đánh giá DDCI, Quảng Ninh là địa phương có cách thức thực hiện bài bản, cam kết cao và thực thi hiệu quả nhất. Việc triển khai DDCI hiệu quả của Quảng Ninh là một trong những yếu tố đóng góp cho việc giữ vững vị trí số 1 về PCI liên tục trong 4 năm qua. Và đặc biệt là nền móng để Quảng Ninh vững vàng đương đầu với thử thách gây ra bởi dịch bệnh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”…
Trong bối cảnh mọi mặt của đời sống KT-XH vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các chỉ số DDCI vẫn được Quảng Ninh xác định là một trong những chỉ dẫn tin cậy để các sở, ngành, địa phương đề ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tế. Được biết, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh thời gian qua đã chủ trì thực hiện triển khai hình thức khảo sát DDCI 2021. Để có được những đánh giá khách quan, trung thực, cơ quan chuyên môn đã triển khai hình thức khảo sát trực tiếp qua phiếu và khảo sát trực tuyến trên nền tảng CNTT với sự tham gia của gần 10.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đầu tư tại Quảng Ninh. Nội dung khảo sát vẫn sẽ tập trung vào mục tiêu giúp các sở, ngành, địa phương của tỉnh rà soát, đánh giá và nhìn lại chất lượng điều hành, nhất là trong giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Bên cạnh đó, DDCI 2021 sẽ không chỉ đánh giá sự tương tác giữa doanh nghiệp và chính quyền, mà còn giúp đánh giá cả những vấn đề của doanh nghiệp. Từ báo cáo DDCI, tỉnh đặt ra kỳ vọng có thể nhận rõ điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân để đưa ra chương trình hỗ trợ, đào tạo, tư vấn với mục tiêu nâng cao năng lực, trình độ doanh nghiệp tư nhân của tỉnh. Dự kiến, các kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp và công bố trong Quý I/2022.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam