Nâng hạng tín nhiệm giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng
Fitch Ratings ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn của Viêt Nam nhờ thu hút đầu tư nước ngoài khả quan, dự trữ ngoại hối tốt hơn...
Tuần vừa qua, Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ "Triển vọng Ổn định" trong bối cảnh thế giới đối mặt với các thách thức về suy giảm tăng trưởng, thương mại, sự gia tăng các rủi ro về tài chính ở nhiều quốc gia. Điều này củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam.
Fitch Ratings ghi nhận triển vọng tăng trưởng thuận lợi trong trung hạn của Viêt Nam nhờ thu hút đầu tư nước ngoài khả quan, dự trữ ngoại hối tốt hơn, áp lực thị trường bất động sản giảm, nợ chính phủ ở mức thấp.
Bà Sagarika Chandre - Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Các phân tích nhận thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm ngoái và được dự báo cải thiện 2 năm tiếp theo. Điều này phản ánh sự quay lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam từ nửa cuối năm nay".
Nâng hạng tín nhiệm giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng. Ảnh minh họa.
Theo Fitch Ratings, Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn FDI nhờ triển vọng đầu tư thời gian qua, cũng như lợi thế về thương mại thông qua hệ thống các hiệp định thương mại tự do. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu gắn với công nghệ đang diễn biến nhanh hơn trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: "Chỉ số PMI đang phản ánh nhu cầu trên thế giới giảm sâu. Nhưng Việt Nam đã tận dụng cả thị trường truyền thống và thị trường mới thông qua các FTA, nhờ đó mức độ suy giảm trong xuất khẩu dần được thu hẹp. Sự tích cực này cũng tạo thêm động lực cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng, đặc biệt là động lực chính chế biến chế tạo tháng sau tốt hơn tháng trước, qua đó tạo niềm tin cho các khoản đầu tư mới cả trực tiếp và gián tiếp".
Việc được nâng hạng cũng cho thấy triển vọng kinh tế tốt hơn, uy tín cao hơn, đồng nghĩa với việc khả năng trả nợ tốt hơn. Nhờ vậy, chi phí vay vốn của Việt Nam trong khu vực công và khu vực tư có thể được giảm bớt.
Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: "Với các quốc gia đang phát triển việc tiếp cận vốn vay và lãi suất đi kèm là rất quan trọng. Khi Việt Nam nâng hạng được tín nhiệm, chi phí vay giảm đi, nền kinh tế sẽ giảm gánh nặng thanh toán, cũng như dành thêm nguồn lực cho tăng trưởng. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tài chính công, phân bổ quản lý nguồn lực công".
Năm 2022, dựa theo các tiêu chí của Moody's, Việt Nam còn có 2 bậc để trở thành quốc gia đầu tư. Với S&P Global Ratings thì Việt Nam còn 1 bậc để lên mức Đầu tư. Còn với Fitch Ratings, Việt Nam hiện còn 1 bậc để lên được mức Đầu tư. Như vậy, Việt Nam đang có nhiều triển vọng để sớm trở thành quốc gia đầu tư vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.
Theo vtv.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Đoàn đại biểu tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc thăm và làm việc tại Quảng Ninh
- Đoàn công tác tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khảo sát Vịnh Hạ Long
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xã giao Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ
- Móng Cái: Nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại
- Thủ tướng là Trưởng BCĐ xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
- Thủ tướng tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto
- Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển tích cực
- Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Lào
- Tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia