Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
Trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, dẫn đầu là các ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô, chất bán dẫn và công nghệ xanh.
Sự chuyển đổi của Việt Nam sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang thúc đẩy vị thế mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam 2024: Làn sóng mới của Savills Việt Nam công bố ngày 8/11.
Ngành công nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, thu hút "làn sóng" đầu tư giá trị cao. Ảnh: T.L
Theo Savills Việt Nam, thành công của ngành công nghiệp Việt Nam được củng cố bởi nhiều yếu tố, bao gồm lực lượng lao động năng động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ, sự cởi mở trong hợp tác thương mại, vị trí chiến lược cùng với sự nâng cấp và cải thiện liên tục của cơ sở hạ tầng. Các ngành có giá trị cao như điện tử và chất bán dẫn đang thúc đẩy sự tăng trưởng, định hình nhu cầu bất động sản và thu hút đầu tư khu vực.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Savills Việt Nam cho hay, Việt Nam đã chuyển đổi từ quá trình sản xuất truyền thống, với các công ty tập trung tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn, thành một quốc gia công nghệ cao, chuyên sâu hơn, với năng lực sản xuất cao.
Với chi phí cạnh tranh, vị trí chiến lược và tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam đang ở vị thế tốt để nắm bắt làn sóng đầu tư mới này. Khi hội nhập vào các thị trường toàn cầu, Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai ngành công nghiệp của Đông Nam Á, giữ vững danh tiếng là điểm đến lý tưởng cho các giải pháp công nghiệp, logistics.
Trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Savills Việt Nam cho rằng các quốc gia đầu tư chủ chốt bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản đã làm nổi bật xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghệ cao, giá trị cao chiếm khoảng 63% nguồn vốn FDI, vượt xa lĩnh vực sản xuất chi phí thấp truyền thống.
Để củng cố làn sóng đầu tư mới, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, dành ra 7% GDP cho các dự án trọng điểm như; Cao tốc Bắc-Nam, Sân bay Quốc tế Long Thành và các cảng nước sâu như Cái Mép ở Bà Rịa-Vũng Tàu..., tạo kết nối trực tiếp với khu vực châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á.
Khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, bao gồm các tuyến cao tốc và cảng chính như Hải Phòng và Lạch Huyện, nâng cao sức hút cho ngành công nghiệp xuất khẩu.
Hệ thống cảng rộng lớn của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là cảng nước sâu Cái Mép, cho phép vận chuyển trực tiếp đến các thị trường quốc tế và củng cố vai trò của Việt Nam như một trung tâm logistics chủ chốt.
Ông John Campbell, Giám đốc-Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, nhấn mạnh dòng vốn FDI mạnh mẽ, vị trí chiến lược, chi phí cạnh tranh, tăng trưởng thương mại điện tử, chính sách thương mại cởi mở và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam sẽ rất cần thiết cho nguồn cung và hiệu suất dài hạn của phân khúc kho bãi.
Đi vào phân tích cụ thể về lợi thế thu hút đầu tư, các chuyên gia Savills Việt Nam nhấn mạnh với ngành thương mại điện tử phát triển và FDI gia tăng, nhu cầu về kho bãi và mặt bằng công nghiệp xây sẵn đã tăng mạnh.
Trong năm 2024, nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn (RB) tăng 31%, với tỷ lệ lấp đầy vượt 80% tại các khu vực trọng điểm. Điển hình, khu vực phía Nam, với lợi thế về logistics, được ưa chuộng nhờ chi phí cạnh tranh và vị trí chiến lược, phục vụ cả khách hàng trong nước và quốc tế.
Cùng đó, sự hỗ trợ của Chính phủ cho phát triển logistics thông qua đầu tư vào hình thức vận tải đa dạng và khu vực logistics chuyên dụng giúp thúc đẩy tăng trưởng, định vị Việt Nam là địa điểm được ưu tiên cho giải pháp công nghiệp hiệu quả cùng với chi phí hợp lý.
“Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sản xuất mạnh mẽ đã đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm nay. Dòng vốn FDI đổ vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng đã thúc đẩy đáng kể tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước; trong đó điện tử nổi lên là ngành đóng góp chính," ông John Campbell nhận định.
Khi nền kinh tế kỹ thuật số đang phủ rộng khắp châu Á, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng cho các trung tâm dữ liệu. Được định giá 685 triệu USD vào năm 2023, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2029 nhờ vào nhu cầu gia tăng đối với điện toán đám mây, 5G và IoT. Chương trình Chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu 50% doanh nghiệp sẽ hoạt động kỹ thuật số vào năm 2025, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng đất nước trở thành một trung tâm kỹ thuật số.
Báo cáo của Savills Việt Nam cũng đưa ra nhận định với vị trí chiến lược, lực lượng lao động lớn và cơ sở hạ tầng đang ngày càng mở rộng, ngành công nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng liên tục.
Trong năm 2025, các ngành công nghiệp có giá trị cao và FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu ổn định đối với bất động sản công nghiệp nhờ vào những chính sách đầu tư trọng tâm, loạt dự án cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và sự chuyển dịch đang diễn ra trong sản xuất toàn cầu (chiến lược Trung Quốc +1).
Cùng với đó, cam kết của Việt Nam đối với việc đầu tư công và hệ thống các hiệp định thương mại rộng lớn sẽ tiếp tục củng cố lợi thế cạnh tranh và định vị Việt Nam là một điểm trọng tâm trong chuỗi cung ứng khu vực.
Theo Báo Công Thương
Bài viết cùng chuyên mục
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330
- TX Quảng Yên: Mở rộng cửa thu hút đầu tư
- Khai thác hiệu quả trục cao tốc dọc tỉnh
- Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025